Chân dung người kế nhiệm Thủ tướng Suga

29/09/2021 20:00 GMT+7

Ông Fumio Kishida, người dự kiến trở thành thủ tướng Nhật Bản thay ông Yoshihide Suga, sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị. Ông sẽ phải đối mặt với các thách thức người tiền nhiệm để lại.

Cựu ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida (64 tuổi) vào ngày 29.9 giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, Reuters đưa tin.

Ông Kishida chắc chắn sẽ trở thành thủ tướng Nhật Bản sau cuộc bỏ phiếu sắp tới vào ngày 4.10 của quốc hội vì LDP đang chiếm đa số ghế. Việc này sẽ giúp ông Kishida trở thành thủ tướng thứ ba của Nhật Bản chỉ trong hơn một năm và thay thế ông Yoshihide Suga, theo The Washington Post.

Thủ tướng kế tiếp của nước Nhật là ai?

Vào ngày 3.9, ông Suga bất ngờ tuyên bố sẽ không ra tranh cử cho vị trí lãnh đạo LDP, động thái được xem như từ chức sau một năm cầm quyền, trong bối cảnh tỷ lệ ủng hộ của ông giảm mạnh vì các biện pháp chống dịch của chính phủ. Ông Suga đã lên làm thủ tướng sau khi ông Shinzo Abe từ chức hồi tháng 9.2020 vì lý do sức khỏe.

Con nhà nòi chính trị

Giống như nhiều chính trị gia có tầm ảnh hưởng lớn của Nhật Bản, ông Kishida sinh ra trong một gia đình làm chính trị. Cha và ông của ông Kishida đều là hạ nghị sĩ trong quốc hội Nhật Bản, theo Nikkei Asia.

Lúc nhỏ, ông Kishida đã theo cha sống 3 năm ở New York (Mỹ) khi cha ông được bổ nhiệm làm quan chức cấp cao của Bộ Thương mại. Sau khi tốt nghiệp Đại học Waseda danh tiếng ở Tokyo, ông Kishida có một thời gian ngắn làm việc trong lĩnh vực ngân hàng trước khi trở thành hạ nghị sĩ vào năm 1993.

Từ năm 2012-2017, ông Kishida làm ngoại trưởng Nhật Bản trong chính phủ của cựu Thủ tướng Abe. Điều này giúp ông trở thành ngoại trưởng tại vị lâu nhất tại Nhật Bản sau chiến tranh.

Khi làm ngoại trưởng, ông Kishida đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán thỏa thuận mang tính bước ngoặt năm 2015 giữa Nhật Bản và Hàn Quốc nhằm giải quyết tranh chấp về vấn đề nô lệ tình dục thời chiến. Tuy nhiên, thỏa thuận sau đó sụp đổ và quan hệ hai nước lại một lần nữa căng thẳng.

Ông Kishida cũng là người có nhiều đóng góp trong việc sắp xếp chuyến thăm lịch sử của Tổng thống Mỹ Barack Obama tới Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima vào năm 2016.

Sau khi ông Taro Kono lên thay thế vị trí ngoại trưởng, ông Kishida giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản trong một thời gian ngắn và sau đó đảm nhiệm chức vụ trưởng ban chính sách của LDP. Ông Kishida là lãnh đạo của phái Kochikai, một trong những phe phái quyền lực trong LDP. Điều này đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu bầu lãnh đạo LDP, The Conversation nhận xét.

Nikkei Asia dẫn lời ông Masato Kamikubo, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Ritsumeikan ở Kyoto (Nhật Bản), nhận định ông Kishida là một chính trị gia ôn hòa và có kinh nghiệm. “Ông Kishida không có thất bại lớn nào nhưng cũng không có thành công lớn nào trong việc hoạch định chính sách", ông Kamikubo cho biết.

Thách thức của ông Kishida

Là người kế nhiệm Thủ tướng Suga, ông Kishida sẽ phải đối mặt với những thách thức như đại dịch Covid-19, nền kinh tế trì trệ và ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, nhiệm vụ đầu tiên của ông sẽ là chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11, theo The Washington Post.

Một trong những khẩu hiệu ông Kishida đưa ra khi tranh cử là giảm khoảng cách thu nhập qua việc phân phối lại của cải và kiềm chế các chính sách định hướng thị trường, vốn là cốt lõi trong chính sách kinh tế của ông Shinzo Abe.

Trong phát biểu đầu tiên với tư cách là nhà lãnh đạo mới của LDP, ông Kishida hứa sẽ “tái sinh” LDP và khôi phục lòng tin của cử tri. “Tôi nghe nhiều người nói rằng chính phủ không quan tâm đến ý kiến của họ và họ không thể tin tưởng vào chính phủ”, ông Kishida cho biết. Ông cũng cam kết sẽ tập trung vào việc chống Covid-19 và phục hồi kinh tế.

Ông Kishida (phải) cùng Thủ tướng Suga sau cuộc bầu chọn lãnh đạo LDP ngày 29.9.

Ảnh: AFP

Là tân lãnh đạo của đảng cầm quyền lâu năm ở Nhật Bản, ông Kishida được cho là sẽ tiếp tục đường lối chính sách đối ngoại mà người tiền nhiệm Suga và Abe đã theo đuổi. Đường lối này bao gồm việc tập trung vào liên minh Mỹ - Nhật, cam kết về một “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và củng cố quan hệ đối tác với các thành viên khác của nhóm “bộ tứ kim cương”.

“Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ thấy nhiều thay đổi trong quan điểm an ninh và ngoại giao của Nhật Bản”, The Washington Post dẫn lời ông Jeffrey Hornung, chuyên gia về an ninh và chính sách đối ngoại Nhật Bản tại tổ chức RAND Corporation, cho biết.

Sự khác biệt có thể sẽ nằm trong phong cách lãnh đạo của ông Kishida so với những người tiền nhiệm, ông Hornung dự đoán. Chuyên gia này cũng cho biết điều Mỹ quan tâm sẽ là sự ủng hộ của Nhật Bản đối với Đài Loan sẽ phát triển như thế nào dưới thời ông Kishida và liệu ông có thực hiện các bước để cải thiện quan hệ với Hàn Quốc hay không.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.