Chờ những lời giải ở 2020

Ngọc Mai
Ngọc Mai
01/01/2020 06:56 GMT+7

Dẫu biết tình hình thế giới sẽ còn diễn biến khó lường, nhưng bước sang năm mới, thập niên mới, chúng ta đều kỳ vọng vào một tương lai tươi sáng hơn và ôn hòa hơn.

Tìm kiếm sự ổn định

Thế giới không thể thiếu cạnh tranh, nhưng kiếm tìm sự ổn định chiến lược là điều mà mọi quốc gia, vùng lãnh thổ hay tổ chức khu vực và quốc tế đều hướng tới. Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc vốn đã tác động sâu rộng tới không chỉ hai nước này mà còn cả thế giới trong hơn một năm qua. Ngay trong những ngày đầu năm mới, hai bên sẽ ký kết thỏa thuận giai đoạn 1. Tối qua 31.12.2019, Tổng thống Trump tuyên bố sẽ ký kết một thỏa thuận lớn và toàn diện vào ngày 15.1.2020. Nếu diễn ra như dự kiến, đây là tín hiệu đáng mừng đầu tiên, mở ra một cánh cửa tươi sáng hơn cho nền kinh tế thế giới. Cũng ngay trong tháng 1, cuộc “ly hôn” của Anh với Liên minh Châu Âu (EU) nhiều khả năng được định đoạt sau khi thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Boris Johnson vừa được Hạ viện Anh thông qua. Mặc dù còn chưa biết các vấn đề hậu Brexit có êm xuôi hay không, nhưng việc được Quốc hội bật đèn xanh cũng giúp tiến trình vốn bế tắc 3 năm qua trở nên bớt chông chênh hơn.
Tại châu Á - Thái Bình Dương, hàng loạt điểm nóng đang cần được giải tỏa. Biển Đông chắc chắn vẫn sẽ là chủ đề được các nước trong và ngoài khu vực lưu tâm. Nhưng bước sang năm 2020, cộng đồng quốc tế có lẽ cần phải có tiếng nói mạnh mẽ hơn và hành động thiết thực hơn bởi không chỉ là vùng biển chiến lược, Biển Đông còn là trung tâm hàng hải quan trọng của thế giới, do đó việc đảm bảo hòa bình, an ninh tại đây là lợi ích và trách nhiệm chung. Nếu những hành động ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế cứ tái diễn thì đó chắc chắn sẽ là hiểm họa của toàn khu vực. Trong khi đó, thế giằng co trên bán đảo Triều Tiên cũng sẽ tạo ra nhiều quan ngại, đặc biệt với các láng giềng Đông Bắc Á của CHDCND Triều Tiên. Washington và Bình Nhưỡng có thể sẽ cần thêm thời gian nhưng mỗi quyết sách của họ sẽ đều ảnh hưởng đến an ninh và ổn định khu vực.
Một trong những câu hỏi lớn khác trong năm mới đó là Hồng Kông. Các cuộc biểu tình mặc dù không còn rầm rộ nhưng chưa có gì đảm bảo sự bất ổn ở đặc khu hành chính này sẽ giảm đi. Giới lãnh đạo Bắc Kinh và Hồng Kông có lẽ phải đưa ra lời giải thỏa đáng nếu không muốn trung tâm tài chính hàng đầu thế giới này tiếp tục rơi vào cảnh tê liệt như năm 2019.
Không quá khi nói rằng Trung Đông vẫn đang và sẽ là bàn cờ lắm tay chơi trong năm 2020. Ở đó, Mỹ, Nga, Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Israel hay Ả Rập Xê Út vẫn sẽ có những mưu tính riêng cho mình. Thế nhưng thế giới mong rằng những mưu tính đó sẽ không lấy mạng người vô tội làm khiên chắn, để người dân bình thường có thể thức dậy mà không phải nơm nớp chạy trốn mưa bom bão đạn. Ở châu Phi, châu Âu hay châu Mỹ, thế giới trông chờ các chính phủ cầm quyền có thể tạo cho người dân đủ lòng tin để họ không phải xuống đường biểu tình, đình công, đòi bình đẳng hay bất lực nhìn đất nước suy kiệt vì tham nhũng, nghèo nàn và bạo lực.

[VIDEO] 9 sự kiện thế giới đánh dấu năm 2019 đầy biến động

Hành động thực chất

Để đạt được những kỳ vọng ấy, không có cách nào khác ngoài bắt tay vào hành động. Thế giới đang đứng trước quá nhiều thách thức mà ở đó nếu chỉ im lặng hoặc phó mặc thì tất cả sẽ phải trả giá. Thế giới đã trải qua gần 1/3 chặng đường nhưng để đi đến 17 mục tiêu phát triển bền vững (giai đoạn 2015 - 2030) thì sẽ còn cần nhiều sự quyết tâm và giải pháp thiết thực hơn nữa.
Hơn bao giờ hết, hành tinh xanh đang chứng kiến tác động từng ngày của biến đổi khí hậu. Như Thủ tướng Đức Angela Merkel gửi gắm trong thông điệp năm mới: “Sẽ là con cháu chúng ta phải gánh chịu hậu quả của những gì chúng ta làm hoặc không làm trong hôm nay”. Reuters dẫn lời bà Merkel: “Hơn lúc nào hết, chúng ta cần can đảm nghĩ theo hướng mới, sẵn sàng thử những điều mới và từ bỏ những thói quen cũ, đồng thời phải cương quyết hơn, hành động nhanh hơn”. Cuối năm 2019, lãnh đạo các quốc gia và vùng lãnh thổ tụ họp tại Madrid, Tây Ban Nha trong Hội nghị khí hậu LHQ (COP25). Tuy nhiên, sau 2 tuần làm việc, tất cả những gì có được chỉ là một thỏa thuận gây thất vọng với sự thừa nhận là vấn đề cấp bách, nhưng lại chẳng đề ra được bất cứ biện pháp cụ thể nào. Thế giới chỉ có thể mong rằng năm 2020 các bên sẽ gác lại một phần toan tính để chung tay bảo vệ quả địa cầu, bảo vệ tương lai cho nhân loại.
Giờ đây, con người không chỉ lo chiến tranh bằng súng đạn mà đó còn là những mối đe dọa công nghệ cao, thiên tai, dịch bệnh. Tất cả những điều đó đòi hỏi từng quốc gia, từng tổ chức phải tăng cường các biện pháp an ninh mới, phát triển những “bài thuốc” mới để ngăn ngừa càng sớm càng tốt.
Khó lường bầu cử Mỹ
Năm 2020 diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Hai phe Dân chủ và Cộng hòa sẽ lại chọn cho mình những ứng viên sáng giá nhất. Tổng thống đương nhiệm Donald Trump luôn tự tin mình sẽ tái đắc cử, còn đảng Dân chủ dĩ nhiên vẫn quyết tâm giành chiếc ghế trong Nhà Trắng. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh ông Trump vướng phải cuộc luận tội do đảng Dân chủ khởi xướng. Với thế đa số tại Thượng viện, khó có khả năng đảng Cộng hòa bãi nhiệm tổng thống, nhưng đây cũng là một rắc rối khiến ông Trump vất vả hơn trên đường đua nhiệm kỳ 2 của mình. Cuộc bầu cử này luôn rất khó lường, do đó các quốc gia đều phải tính tới các khả năng khác nhau xảy ra, bởi dù ông Trump hay ai lên cầm quyền thì chính sách của Mỹ cũng tác động ít nhiều đến tình hình khu vực và thế giới.
Triều Tiên lên tiếng
Hãng thông tấn KCNA hôm qua đưa tin Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên đã kêu gọi xây dựng những biện pháp đáp trả bằng ngoại giao và quân sự nhằm đảm bảo an ninh và chủ quyền trong bối cảnh đàm phán hạt nhân bế tắc. Phát biểu được ông Kim đưa ra tại ngày họp thứ ba của phiên họp toàn thể Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên hôm 30.12.2019. Giới quan sát nhận định Chủ tịch Kim Jong-un sẽ đưa ra thông báo chính sách quan trọng về đàm phán hạt nhân trong bài phát biểu năm mới hôm nay. Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 30.12.2019 bày tỏ hy vọng Triều Tiên sẽ chọn con đường hòa bình thay vì đối đầu. Đồng thời, nhà ngoại giao cho biết Mỹ sẽ theo dõi sát sao những điều Chủ tịch Kim thông báo trong bài phát biểu đầu năm, theo Yonhap.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.