Sau khi Mỹ và Trung Quốc khuya 13.12 thông báo đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, Thanh Niên nhận được bài phân tích từ TS Scott Kennedy (ảnh), Cố vấn cấp cao về kinh tế và kinh doanh Trung Quốc - Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS, Mỹ), với nội dung lược dịch dưới đây.
|
Từ ngày 12.12 (theo giờ Mỹ), giới thạo tin đã loan ra rằng Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được thỏa thuận “giai đoạn 1” mở ra quá trình để kết thúc cuộc chiến tranh thương mại đang hồi căng thẳng giữa hai bên. Tuy nhiên, đó có thể là sự phấn khởi quá sớm, thỏa thuận chỉ mới thể hiện rằng hai bên tạm ngưng leo thang căng thẳng.
Vẫn còn xem xét
Chứng khoán Mỹ tăng nhẹĐại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer ngày 14.12 trình bày thêm một số thông tin về thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc, được hai nước tuyên bố đạt được về nguyên tắc vào tối 13.12.
Theo thỏa thuận, Trung Quốc cam kết mua 200 tỉ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tới và tăng cường biện pháp bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mở cửa thị trường cho công ty Mỹ. Mỹ đồng ý hủy thuế suất 15% đối với 160 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc dự kiến có hiệu lực ngày 15.12, đồng thời giảm thuế suất áp đặt hồi tháng 9 đối với 120 tỉ USD hàng hóa từ 15% xuống còn 7,5%. Tuy nhiên, Mỹ giữ nguyên mức thuế 25% đối với 250 tỉ USD hàng hóa Trung Quốc để đàm phán giai đoạn 2.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 13.12, các chỉ số chứng khoán hàng đầu tại Mỹ chỉ tăng nhẹ so với đầu ngày, trong đó Dow Jones tăng 0,01%; S&P 500 tăng 0,01% còn Nasdaq Composite tăng 0,2%, theo trang Market Watch. Trong khi đó, lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm điểm xuống còn 1,82%; trái phiếu 2 năm giảm xuống còn 1,6% và trái phiếu 30 năm giảm còn 2,252%.
Tuy nhiên, chứng khoán châu Á đồng loạt tăng. Kết thúc phiên ngày 13.12, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 2,57%; Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 1,78%; Nikkei 225 của Nhật tăng 2,55%, theo Đài CNBC. Bảo Vinh
|
Cụ thể, tháng 7.2017, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross dường như đồng ý với lời hứa của ông Uông Dương, khi đó là Phó thủ tướng Trung Quốc, về việc Bắc Kinh sẽ nhanh chóng cắt giảm sản lượng thép, nhưng thỏa thuận này nhanh chóng bị Tổng thống Trump phủ quyết vào phút cuối.
Tháng 5.2018, Bộ trưởng Ngân khố Mỹ Steven Mnuchin đã đạt thỏa thuận khung với Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, rồi một lần nữa Nhà Trắng lại bác bỏ sau đó. Đến tháng 4.2019, thông tin hai bên đạt thỏa thuận cũng được loan ra, nhưng lần này thì Bắc Kinh lại hủy bỏ, khiến Washington tăng thuế một số mặt hàng, đồng thời mạnh tay trừng phạt Tập đoàn Huawei. Mới đây hồi tháng 10.2019, Tổng thống Trump tuyên bố hai bên đạt được thỏa thuận “giai đoạn 1”, nhưng thực chất đến giờ có thể thấy là khi đó thì hai bên chỉ mới bắt đầu đàm phán.
Lần này, ngay sau công bố từ Bộ Thương mại Mỹ vào ngày thứ sáu (theo giờ Washington D.C), thì phía Trung Quốc cũng tổ chức một cuộc họp báo vào tối thứ sáu (theo giờ Bắc Kinh). Dù xác nhận về sự tồn tại của thỏa thuận, nhưng các quan chức Trung Quốc lại không thông tin chi tiết về việc nước này cam kết mua hàng của Mỹ như phía Washington công bố. Đại diện của Bắc Kinh còn nhấn mạnh rằng văn bản thỏa thuận vẫn cần được xem xét kỹ lưỡng và dịch sang tiếng Hoa. Ngược lại, cũng chưa rõ là các cơ quan liên bang phía Mỹ tham gia đàm phán đã xem xét và phê duyệt văn bản hay chưa.
Từ những thực tế trên, vẫn cần thêm thời gian để đảm bảo thỏa thuận lần này được ký kết và thực thi.
Tương quan
Dựa trên thông tin có sẵn, với thỏa thuận trên, trong ngắn hạn thì phía Trung Quốc và chủ tịch nước này là Tập Cận Bình đang giành ưu thế. Chỉ với những nhượng bộ hạn chế, Trung Quốc vẫn giữ vững được chiến lược kinh tế lâu nay, tiếp tục các chính sách bảo hộ và can dự từ chính quyền. Tổng thống Trump có thể ép Bắc Kinh nhượng bộ phần nào, nhưng Trung Quốc phần nào nhận được sự “yên ổn” trong một thời gian - dù rất mong manh.
Về phía Mỹ, Tổng thống Trump có thể “ghi điểm” bằng tuyên bố đã đặt Trung Quốc cùng nền kinh tế nước này vào thế phòng thủ. Tuy vậy, bằng số liệu cụ thể do Bộ Thương mại Mỹ công bố thì thời gian qua, tổng kim ngạch thương mại và đầu tư trực tiếp giữa hai nước đã chậm lại, nhưng sự thực là sản xuất vẫn chưa quay lại nước Mỹ. Tất nhiên, với thỏa thuận trên, nông dân Mỹ sẽ được lợi khi bán thêm hàng hóa cho Trung Quốc. Tuy nhiên, chính những khó khăn đã khiến cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc nâng cao sức tự lực.
Ảnh hưởng lâu dài
Về lâu dài, những gì đang diễn ra sẽ tạo ra ảnh hưởng sâu sắc hơn. Những động thái của Bắc Kinh cùng sự biện hộ Trung Quốc là “nạn nhân” của Mỹ không đủ sức thuyết phục cộng đồng quốc tế. Nhiều nước đang đồng tình với đánh giá của Mỹ về việc Trung Quốc cần phải thay đổi các chính sách kinh tế không tuân thủ luật chơi toàn cầu.
Bên cạnh đó, việc căng thẳng liên tục về mức thuế giữa Washington với Bắc Kinh khiến cho nhiều công ty đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa chuỗi cung ứng toàn cầu, tách dần khỏi Trung Quốc. Đồng thời các nước phương Tây giới hạn chia sẻ công nghệ cùng Trung Quốc. Dù đạt được nhiều thành tựu về công nghệ, nhưng thực tế thì Trung Quốc vẫn lệ thuộc Mỹ cùng nhiều nước khác về các công nghệ nền tảng, vật liệu bán dẫn, kỹ thuật động cơ và những ứng dụng quan trọng trong nhiều lĩnh vực như hàng không, ô tô, dược phẩm, năng lượng… Rõ ràng, ngay cả khi đang có thị trường lớn và nguồn lực đáng kể, Bắc Kinh vẫn nhận thấy khó có thể tiến nhanh nếu thiếu sự hỗ trợ, chia sẻ công nghệ từ các nước phát triển.
Ngược lại, Mỹ dường như đã tiếp cận với nền kinh tế Trung Quốc đến mức khó có thể điều chỉnh tăng giảm đáng kể về quan hệ thương mại. Trong nhiều cuộc hội họp với giới doanh nghiệp Mỹ, họ đã chia sẻ về sự lo lắng nếu Washington đẩy nhanh việc giảm thiểu hợp tác thương mại với Trung Quốc, bởi tổn thất của quá trình đó sẽ không nhỏ. Bên cạnh đó, những chính sách cứng rắn từ phía Mỹ cũng đang khiến cho nhiều đối tác ở châu Âu, châu Á lẫn Mỹ Latin phải e ngại.
Bình luận (0)