Cơ hội cho hòa bình, hợp tác trên Biển Đông

Vũ Hân
Vũ Hân
17/11/2020 07:00 GMT+7

Sáng 16.11, Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 với chủ đề “Duy trì hòa bình và hợp tác trong bối cảnh có nhiều biến động” đã diễn ra tại Hà Nội, với sự tham gia của số diễn giả, học giả lớn nhất từ trước tới nay, đến từ hơn 30 quốc gia.

Đây là sự kiện thường niên do Học viện Ngoại giao, Quỹ hỗ trợ nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam đồng tổ chức, được coi là diễn đàn lớn và uy tín hàng đầu thế giới về Biển Đông.

Tiềm ẩn thách thức khó lường

Tại hội thảo, Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh đại dịch Covid-19 không chỉ cướp đi sinh mạng của hơn 1 triệu người dân mà còn kéo giảm nền kinh tế toàn cầu, gây ra đa khủng hoảng trên bình diện quốc tế. Những xáo trộn đó làm gia tăng cạnh tranh giữa các nước lớn, thúc đẩy thêm xu hướng cực đoan trong xử lý và vận hành hệ thống quan hệ quốc tế. Bối cảnh quốc tế đó đã gây ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình Biển Đông.

Khuyến khích các sáng kiến hợp tác hàng hải

Hội thảo lần này là cơ hội để khuyến khích ASEAN ủng hộ các sáng kiến hợp tác hàng hải trong vùng biển tranh chấp. Các vấn đề về môi trường, như tình trạng phá hủy rạn san hô, ô nhiễm, đánh bắt thủy sản quá mức... Hội thảo lần này có thể góp phần định hình một thỏa thuận cần thiết nhằm xây dựng bộ quy tắc ứng xử đặc biệt giải quyết các vấn đề an ninh môi trường.
Hiện có cả thách thức lẫn cơ hội liên quan việc áp dụng các nền tảng khoa học để giải quyết các vấn đề chung. Nhưng qua các cuộc làm việc, chính thức lẫn không chính thức, đã cho thấy tầm quan trọng của việc xây dựng lòng tin trong ASEAN để giải quyết các vấn đề như giám sát mực nước biển, tăng cường hệ thống giám sát sóng thần ở Biển Đông. Hơn bao giờ hết, giữa đại dịch toàn cầu, các nước ASEAN và Trung Quốc cần lắng nghe phân tích khoa học để cùng giải quyết vấn đề chung.
Ông James Borton (Nhà nghiên cứu tại Đại học Tufts (Mỹ) - đại biểu tham gia hội thảo)
Hoàng Đình (ghi)
Trong thời gian vừa qua, đã có những hoạt động leo thang trên thực địa, quân sự hóa, làm thay đổi hiện trạng; đặc biệt là các yêu sách chủ quyền trái với luật pháp quốc tế. Theo ông Bùi Thanh Sơn, dù ASEAN đã có nhiều nỗ lực kêu gọi các nước kiềm chế, không làm phức tạp tình hình và leo thang tranh chấp, không sử dụng hay đe dọa sử dụng vũ lực… nhưng tình hình Biển Đông vẫn tiềm ẩn thách thức khó lường.
Việc đơn phương diễn giải luật pháp quốc tế không phù hợp với chuẩn mực và lợi ích chung; cũng không chỉ tác động đến nền móng của hòa bình, ổn định ở Biển Đông, mà còn là mầm mống có thể dẫn tới việc xói mòn trật tự trên biển cũng như hòa bình, ổn định toàn cầu. Nếu như nước lớn nào cũng tùy nghi diễn giải luật pháp vì lợi ích vị kỷ của mình, trật tự thế giới sẽ bị đảo lộn.
Theo ông Sơn, trong bối cảnh thế giới biến động hiện nay, Biển Đông là phép thử đối với khả năng duy trì đối thoại, hợp tác giữa các nước vì lợi ích chung; việc minh bạch trong chính sách và hành động thực tế của các quốc gia; là phép thử trong chuẩn mực ứng xử giữa các nước, nhất là các nước lớn với nhau.
Biển Đông cũng là phép thử với vai trò của các thể chế đa phương khu vực, nhất là ASEAN, trong kiểm soát căng thẳng, xây dựng lòng tin, thúc đẩy hợp tác, hướng tới giải quyết xung đột, tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định.
Hơn lúc nào hết, đây là thời điểm các nước phải hợp tác thay vì đối đầu, chủ động phòng tránh nguy cơ đụng độ ngoài ý muốn trên biển, thúc đẩy hợp tác nhằm phục hồi kinh tế và cùng phát triển, hợp tác bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, tăng cường nghiên cứu khoa học biển và phát triển bền vững ở Biển Đông; không ngừng hướng tới giải quyết hòa bình các yêu sách chồng lấn ở Biển Đông theo quy định của luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982.

Cần Trung Quốc tham gia vào nỗ lực hòa bình

Tuy vậy, nhiều học giả tham gia hội thảo giữ thái độ thận trọng khi nhận định tình hình sắp tới, đặc biệt liên quan đến thái độ của Trung Quốc.

ASEAN cần phối hợp trước Trung Quốc trên Biển Đông

Nhân sự kiện Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 đang diễn ra, Thanh Niên đã phỏng vấn phó đô đốc (đã nghỉ hưu) Yoji Koda, (ảnh) cựu Tư lệnh Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản. Ông Yoji Koda cũng tham dự hội thảo lần này.
Ông nhận định thế nào về tình hình Biển Đông và các động thái của Trung Quốc ở vùng biển này trong thời gian qua?
Tình hình Biển Đông gần đây trở nên căng thẳng hơn trước. Nguyên nhân chính của thực trạng này là do các hành vi của Bắc Kinh. Trung Quốc tự đặt ra chủ quyền đối với Biển Đông và tự xem đây là “lợi ích cốt lõi” của quốc gia.
Ngoài sự ứng phó của các nước Đông Nam Á trước các hành vi của Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước bị xâm phạm, Mỹ cũng đang có lập trường mạnh mẽ đối với Trung Quốc. Washington đã điều động các nhóm tác chiến tàu sân bay đến Biển Đông để thể hiện sự phản đối với Bắc Kinh. Nếu không có các nhóm tác chiến tàu sân bay, các nhóm tàu chiến viễn chinh (bao gồm tàu đổ bộ tấn công - NV) hoặc các lực lượng khác cũng có thể được Mỹ điều động đến vùng biển này để ứng phó Trung Quốc. Nhật Bản và Úc cũng đang có các động thái tương tự với Mỹ vì có cùng mục tiêu.
Vậy đâu là thách thức lớn nhất cho sự ổn định trên Biển Đông?
Thách thức lớn nhất cho sự ổn định trên Biển Đông chính là các hành vi “cơ bắp” của Trung Quốc tại vùng biển này nhằm bảo vệ điều mà Bắc Kinh tự gọi là “lợi ích cốt lõi” và muốn thiết lập quyền kiểm soát toàn diện ở Biển Đông.
Trong bối cảnh như vậy, ASEAN cũng như cộng đồng quốc tế cần hành động như thế nào để đảm bảo hòa bình cho Biển Đông?
Đối chiếu lại những gì Trung Quốc đã làm ở một số khu vực khác thì nước này thực tế không hề chủ động điều chỉnh hành vi theo chuẩn mực quốc tế. Trung Quốc đang muốn tiến đến vai trò lãnh đạo. Trong khi đó, quan hệ kinh tế của Trung Quốc với thế giới, cũng như việc nhiều nước phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc đang có ảnh hưởng lớn đến chính sách của các bên đối với Bắc Kinh.
Tuy nhiên, trong bất kỳ trường hợp nào, điều quan trọng nhất đối với ASEAN và cộng đồng quốc tế vẫn phải cùng phối hợp nỗ lực về một hướng. Ví dụ, để đảm bảo hòa bình ở Biển Đông, chúng ta cần phối hợp hành động phù hợp với Bắc Kinh. Thêm vào đó, chúng ta cũng cần nỗ lực phối hợp cùng sự hiện diện của một số bên khác như Mỹ chẳng hạn.
Ngô Minh Trí (thực hiện)
Trả lời Thanh Niên, ông Phạm Quang Vinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Mỹ - người chủ trì phiên thứ nhất của hội thảo, cho biết câu chuyện thái độ của Trung Quốc sẽ còn được các học giả trao đổi xuyên suốt hội thảo, bởi đây là một tác nhân chính của các vấn đề nóng xung quanh Biển Đông.
Tuy nhiên, manh nha trong ngày đầu tiên, các diễn giả tham gia hội thảo đều nhấn mạnh các bên rất cần Trung Quốc tham gia vào nỗ lực chung cho hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn ở Biển Đông. Muốn điều đó xảy ra, các bên phải song trùng với nhau trong việc nhấn mạnh ý nghĩa luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, và tôn trọng một trật tự thế giới dựa trên luật lệ.
Thời gian qua, Trung Quốc có rất nhiều hành động làm gia tăng phức tạp ở khu vực này, thể hiện ở việc tiếp tục xâm phạm vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia khác; tiếp tục đòi hỏi chủ quyền trái luật pháp quốc tế, với đường lưỡi bò mà hầu hết các nước phản đối; tiếp tục thực hiện chiến lược vùng xám, sử dụng dân quân biển… để thực hiện tham vọng về yêu sách và áp đặt của mình.
Dù vậy, các học giả đều rất muốn thúc đẩy đối thoại nhiều chiều với Trung Quốc, ủng hộ đối thoại giữa ASEAN và Trung Quốc trong xây dựng COC. Tuy nhiên, trong quá trình này, các học giả mong muốn luật pháp quốc tế và những nguyên tắc của ASEAN đã được các nước tôn trọng và ủng hộ thì Trung Quốc cũng tôn trọng và ủng hộ.
“Nếu Trung Quốc dựa trên luật lệ, các nước khác cũng dựa trên luật lệ, sẽ có rất nhiều cơ hội cho hòa bình, hợp tác, thịnh vượng trong khu vực, và đặc biệt là xây dựng lòng tin - cái thiếu nhất hiện nay”, Đại sứ Phạm Quang Vinh nói.
Theo luật sư Hoàng Việt - một đại biểu tại hội thảo, năm nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN của Việt Nam được các diễn giả đánh giá cao. Dù có nhiều điểm khác biệt, nhưng ở Hội nghị cấp cao ASEAN 36 (tháng 6.2020), Việt Nam vẫn thành công trong việc thuyết phục các bên ra một lập trường chung về Biển Đông, trong đó đề cập tới Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS) 1982. Dù giữa đại dịch Covid-19, có rất nhiều thứ chưa được như mong muốn, nhưng Việt Nam đã nỗ lực hết sức trong thúc đẩy một nhận thức chung của ASEAN về Biển Đông, nhấn mạnh đoàn kết nội khối và việc giữ vững vai trò trung tâm của ASEAN tại khu vực.
Hôm nay (17.11), hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra với nhiều phiên quan trọng liên quan đến quản trị rủi ro xung đột, quản trị tài nguyên biển, nghiên cứu khoa học biển…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.