Cuộc chiến băng giá - Kỳ 2: Mỹ - Nga đọ 'hàng nóng' trên băng

31/10/2015 14:16 GMT+7

(TNO) Cuộc đọ hàng thật ra không chỉ trên mặt băng Bắc Cực. Trong khi Nga đầu tư rầm rộ cho đội tàu phá băng dũng mãnh chạy băng băng qua những lớp băng dày cộp, Mỹ âm thầm bành trướng bên dưới bằng tàu ngầm.

(TNO) Cuộc đọ hàng thật ra không chỉ trên mặt băng Bắc Cực. Trong khi Nga đầu tư rầm rộ cho đội tàu phá băng dũng mãnh chạy băng băng qua những lớp băng dày cộp, Mỹ âm thầm bành trướng bên dưới bằng tàu ngầm.

Nga nổi…
Liên tục tập trận rầm rộ. Ồn ã thông báo mở lại và xây mới cả chục căn cứ quân sự. Triển khai tên lửa đất đối không được thiết kế cho thời tiết giá lạnh… Nga chưa bao giờ che giấu tham vọng làm bá chủ những vùng đất rộng lớn ở xứ sở gấu trắng. Một trong những biểu tượng chứng minh sức mạnh phô trương của Nga ở cực Bắc của địa cầu là những chiếc tàu phá băng dũng mãnh.
Tàu phá băng của Nga Murmansk dẫn đường cho một con tàu ở Bắc Cực - Ảnh: Ria NovostiTàu phá băng của Nga Murmansk dẫn đường cho một con tàu ở Bắc Cực - Ảnh: Ria Novosti
Lúc Tổng thống Mỹ, ông Barack Obama đến thăm bang Alaska - vùng đất tách biệt của Mỹ chạy ngang qua Bắc Cực - cách đây 2 tháng, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ mua thêm tàu phá băng. Hiện nay, lực lượng tuần duyên Mỹ - đơn vị quản lý và sử dụng những con tàu cắt vỡ những mảnh băng dày cộp mà thản nhiên lướt đi ở những vùng biển trắng xóa - chỉ sở hữu 3 chiếc tàu loại này. Thêm 2 chiếc nữa thuộc các công ty Mỹ. Như vậy, 5 chiếc tàu phá băng của Mỹ phải chia nhau hoạt động cả ở Bắc Cực và Nam Cực.
Con số này quả là quá khiêm tốn so với 41 tàu phá băng của Nga. Đó là chưa kể thêm 11 chiếc đang được Nga đóng hoặc đã có kế hoạch sẽ đóng. Đường biên giới biển giáp Bắc Băng Dương của Nga rộng lớn nhất thế giới và lớn hơn gấp bội so với Mỹ nên rõ ràng Nga cần nhiều tàu phá băng hơn. Nhưng phải công nhận đó là một lợi thế rất lớn cho Nga. Khi có biến, điện Kremlin có thể dễ dàng tập hợp đội tàu phá băng mở đường cho tàu chiến Nga di chuyển khắp Bắc Cực thuận lợi và dễ dàng hơn nhiều so với Mỹ.
Mỹ chìm
Nhưng chỉ riêng tàu phá băng thôi không thể đại diện cho sức mạnh quân sự của các cường quốc có tham vọng ở vùng đất băng giá. Trong khi Nga phô trương sức mạnh bằng những con tàu biểu diễn “trò trượt băng” ngoạn mục và dũng mãnh, cuộc chơi của Mỹ phát huy tối đa sâu bên dưới những lớp băng dày, kín đáo hơn, âm thầm hơn nhưng cực kỳ đáng gờm.
Tàu ngầm Seawolf nổi lên xuyên qua lớp băng ở Bắc Cực - Ảnh: Hải quân Mỹ
Hãng tin Reuters dẫn lời ông Jeff Bierley, tư lệnh chỉ huy tàu ngầm Seawolf của Mỹ, nhận định tàu ngầm là “món” thích hợp nhất ở Bắc Cực bởi đó là nơi nó có thể thoải mái chìm sâu dưới lớp băng. Và những cuộc viễn chinh của người Mỹ tới tận cùng đầu mút của quả địa cầu rất chú trọng vào đội tàu ngầm 41 chiếc, có khả năng xé băng mà tiến về phía trước. Đội tàu ngầm của Nga trong khi đó chỉ dừng ở con số 25. Hạn chế về tài chính cũng ngăn cản Nga triển khai chúng thường xuyên.
Trong khi đó, hải quân Mỹ liên tục đưa tàu ngầm tấn công tới Bắc Cực, vừa để luyện tập, vừa nghiên cứu khoa học. Ngoài các chuyến như thế này, trong những năm gần đây, những chiếc tàu ngầm lớp Seawolf từ bang Washington cũng thường được đưa tới bang Alaska, chui xuống eo biển Bering mà âm thầm lên Bắc Cực, đi xuyên từ Thái Bình Dương qua Đại Tây Dương rồi mới vòng về. Seawolf cùng 2 con tàu "họ hàng" được Mỹ thiết kế riêng cho Bắc Cực, được trang bị hệ thống phát hiện băng, có đầy đủ "đồ chơi" để trong trường hợp khẩn cấp có thể cắt băng mà trồi lên nhanh chóng.
Cuộc chơi của người Mỹ còn đặt vào những cặp mắt từ trên cao chõ xuống.
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.