Trong cuốn sách mới có tựa đề Operation Dragon: Inside the Kremlin’s Secret War on America (tạm dịch: Chiến dịch Rồng: Bên trong cuộc chiến bí mật của Kremlin với Mỹ), hai cựu chỉ huy tình báo Mỹ đưa ra thuyết âm mưu mới rằng lãnh đạo Liên Xô Nikita Khrushchev và Ủy ban An ninh quốc gia Liên Xô (KGB) đứng sau vụ ám sát Tổng thống John F. kennedy hồi năm 1963.
Theo Sputnik ngày 24.2, tác giả cuốn sách là ông Robert James Woolsey, nhà ngoại giao từng làm Giám đốc Cục Tình báo trung ương (CIA) từ năm 1993 - 1995 và tướng Ion Mihai Pacepa, người từng là quyền lãnh đạo cơ quan tình báo Romania trước khi xin tị nạn chính trị tại Mỹ.
Theo hai tác giả, hung thủ ám sát ông Kennedy, cựu lính thủy đánh bộ Mỹ Lee Harvey Oswald được tình báo Liên Xô chiêu mộ vào năm 1957 và nhận lệnh của giới lãnh đạo Liên Xô để thực hiện vụ ám sát.
|
Tuy nhiên, kế hoạch bị hủy bỏ và KGB chỉ đạo Oswald ngừng hành động nhưng y vẫn “ngoan cố” hoàn thành “sứ mệnh cá nhân”.
Mặc dù Oswald thần tượng ông Khrushchev và mong muốn trở thành công dân Liên Xô nhưng sau đó được thuyết phục qua về Mỹ để ám sát ông Kennedy. “Oswald được trao một cô vợ Liên Xô và đưa về Mỹ vào tháng 6.1962”, các tác giả viết.
Theo hai tác giả, Oswald biết ông Khrushchev tin tưởng y và y tự tin có thể thực hiện nhiệm vụ. “Tuy nhiên, vào thời điểm đó, KGB và các lãnh đạo Liên Xô nhận ra rằng ý tưởng điên rồ đang gây tiếng xấu cho đất nước về một bước đi sai lầm nữa của ông Khrushchev nóng nảy, và có thể xảy ra chiến tranh hạt nhân”, theo cuốn sách.
|
Tổng thống Kennedy bị ám sát khi đang diễu hành trên chuyên xa mui trần tại thành phố Dallas, bang Texas ngày 22.11.1963. Lee Harvey Oswald được xác định là tay súng duy nhất. Hung thủ bị bắt chỉ sau 2 giờ nhưng lại bị bắn chết trên đường chuyển trại giam sau đó 2 ngày.
Nhiều thuyết âm mưu đã được dựng lên xung quanh vụ ám sát. Tuy nhiên theo kết luận của Ủy ban Warren (cơ quan được Tổng thống Lyndon Johnson lập ra để điều tra về vụ ám sát), không có bằng chứng cho thấy Liên Xô liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Kennedy.
Bình luận (0)