Cựu Giám đốc FBI James Comey ra điều trần

09/06/2017 06:54 GMT+7

Cuộc điều trần của cựu Giám đốc FBI James Comey được theo dõi sát sao bởi những ảnh hưởng tiềm tàng của nó với chính quyền đương nhiệm ở Mỹ.

Vào lúc 10 giờ ngày 8.6 (21 giờ tại VN), cựu Giám đốc FBI James Comey đã có buổi điều trần trước quốc hội Mỹ về cuộc điều tra mối liên hệ giữa Nga và cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016. Cuộc điều trần được truyền thông thế giới theo dõi sát sao vì khả năng ảnh hưởng đến chính quyền đương nhiệm của Tổng thống Donald Trump.
Theo bản khai được đưa ra trước đó, ông Comey xác nhận việc Tổng thống Trump hối thúc ông ngưng điều tra cựu Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn, người bị cho là có liên hệ mờ ám với phía Nga và bị buộc từ chức vào ngày 13.2.
Trong bản khai dài 7 trang, cựu giám đốc FBI tiết lộ nhiều chi tiết liên quan đến 3 lần ông tiếp xúc với tổng thống từ ngày 6.1 - 14.2 và hai cuộc điện đàm sau đó. Theo ông Comey, trong bữa tiệc riêng tại Nhà Trắng hôm 27.1, Tổng thống Trump có vẻ muốn “tạo mối quan hệ theo kiểu bảo trợ” và bảo ông rằng: “Tôi cần sự trung thành. Tôi mong đợi lòng trung thành”.
Ông Comey không nói rõ những hành động của tổng thống có thể bị xem là cản trở công lý nhưng cho rằng cách tiếp cận “rất đáng ngại” khi FBI có vai trò là một cơ quan điều tra độc lập. “Tôi hiểu ý tổng thống muốn chúng tôi hủy bỏ việc điều tra ông Flynn đưa thông tin sai lệch về cuộc đối thoại với đại sứ Nga tại Mỹ hồi tháng 12.2016”, theo ông Comey.
Cựu giám đốc FBI nói ông cảm thấy không thoải mái khi thảo luận cuộc điều tra với tổng thống dù đã khẳng định rằng tổng thống không phải là mục tiêu. Trong một cuộc điện đàm ngày 30.3, Tổng thống Trump hỏi ông Comey làm cách nào để "xua tan mây mù" quanh vụ điều tra nghi vấn thông đồng với Nga bởi vì cuộc điều tra khiến ông khó lãnh đạo đất nước.
Giới quan sát cho rằng ông Comey đang cố gắng tránh việc buộc tội tổng thống. Tuy nhiên, không chỉ mình ông Comey chịu áp lực trong cuộc điều tra. Tờ The Washington Post đưa tin Tổng thống Trump cũng tiếp cận Giám đốc Tình báo quốc gia Dan Coats và Giám đốc Cơ quan An ninh quốc gia Mike Rogers. Tuy nhiên, tại phiên điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện ngày 7.6, hai quan chức này cho biết họ chưa từng cảm thấy bị gây áp lực buộc phải can thiệp vào vụ điều tra ông Flynn. Mặc dù vậy, cả hai đều luôn né tránh câu hỏi của các thượng nghị sĩ về việc liệu Tổng thống Trump có yêu cầu họ can thiệp vào cuộc điều tra hay không.
Trong khi đó, luật sư riêng của Tổng thống Trump là ông Marc Kasowitz cho biết người đứng đầu Nhà Trắng hài lòng với bản khai của ông Comey khi xác nhận ông không nằm trong số những người có thể bị điều tra. “Tổng thống cảm thấy như mình được minh oan hoàn toàn”, ông nói.
Tuy nhiên, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ so sánh bản khai của Comey với vụ bê bối Watergate khi Tổng thống Richard Nixon bị luận tội cản trở công lý và buộc phải từ chức vào năm 1973. “Comey xác nhận rằng Tổng thống Trump yêu cầu ông kết thúc việc điều tra Flynn. Chính điều này cũng giống vụ Watergate khi cuộc điều tra bị can thiệp”, CNN dẫn lời thượng nghị sĩ Ron Wyden so sánh.'
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.