Đặc khu trưởng Hồng Kông: Phản đối luật an ninh mới là “kẻ thù của nhân dân“

16/06/2020 13:39 GMT+7

Đặc khu trưởng Hồng Kông gọi những người cố phản đối việc Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới dành cho Hồng Kông là "kẻ thù của nhân dân" và yêu cầu họ chấm dứt hành động chống đối.

Quốc hội Trung Quốc hồi tháng rồi đã thông qua dự thảo nghị quyết về ban hành luật an ninh quốc gia mới dành cho Hồng Kông. Dự kiến có hiệu lực trước tháng 9, luật an ninh quốc gia mới cho phép ngăn chặn, xử lý những hành vi, hoạt động như can thiệp của nước ngoài, ly khai, lật đổ chính quyền, khủng bố và các cơ quan an ninh Trung Quốc đại lục được quyền hoạt động công khai tại Hồng Kông.
Động thái của Bắc Kinh bị chỉ trích là mối đe dọa đối với nguyên tắc "một quốc gia, hai chế độ” ở Hồng Kông. Tuy nhiên, chính phủ đại lục và chính quyền đặc khu Hồng Kông khẳng định luật an ninh quốc gia mới là cần thiết để chống chủ nghĩa khủng bố và ly khai.

Trưởng đặc khu Hồng Kông gọi người phản đối luật an ninh là "kẻ thù của nhân dân"

Trong cuộc họp của chính quyền Hồng Kông ngày 16.6, Đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga nhấn mạnh luật an ninh quốc gia mới sẽ không hạn chế các quyền tự do, chỉ nhắm vào “một số ít kẻ gây rối" và giúp mang lại sự ổn định sau làn sóng biểu tình rầm rộ chống chính quyền đặc khu hồi năm ngoái, theo Reuters.
"Tôi yêu cầu những người vẫn nỗ lực dùng các chiến thuật nhằm bôi nhọ và phản đối luật an ninh quốc gia mới nên ngừng lại ngay lập tức, bởi vì khi làm điều này họ đã trở thành kẻ thù của nhân dân Hồng Kông. Đại đa số người dân muốn khôi phục sự ổn định", bà Lâm nói.
Trước đó, trả lời phỏng vấn tờ South China Morning Post ngày 9.6, ông John Lee Ka-chiu (Lý Gia Siêu), quan chức phụ trách an ninh của chính quyền đặc khu Hồng Kông, cho biết cảnh sát Hồng Kông đang thành lập một đơn vị chuyên trách để thực thi luật an ninh quốc gia mới.

Biểu tình tiếp diễn ở Hồng Kông, cảnh sát chuẩn bị đơn vị triển khai luật an ninh

Theo ông Lee, đơn vị mới sẽ do ủy viên cảnh sát Hồng Kông Chris Tang Ping-keung đứng đầu và có chức năng thu thập thông tin, điều tra cùng huấn luyện.
Hồi năm 2019, phong trào biểu tình chống chính quyền đặc khu bùng nổ xuất phát từ một dự luật đã bị rút lại, cho phép dẫn độ nghi phạm sang Trung Quốc đại lục để xét xử. Nhiều cuộc biểu tình đã bùng nổ thành bạo động và đụng độ với cảnh sát, khiến hơn 9.000 người bị bắt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.