Đạo luật quốc phòng Mỹ cứng rắn với Trung Quốc

Khánh An
Khánh An
03/08/2018 07:55 GMT+7

Các điều khoản trong đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng mới được cho là cứng rắn nhất đối với Trung Quốc từ trước đến nay.

Quốc hội Mỹ vừa thông qua đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng Mỹ (NDAA) thường niên và đã trình Tổng thống Donald Trump ký thành luật. NDAA ủy quyền cho quân đội về việc chi tiêu nhưng đồng thời cũng thể hiện chính sách của Washington trong các vấn đề an ninh và đối ngoại. Theo Reuters ngày 2.8, đạo luật mới quy định việc ủy nhiệm chi 716 tỉ USD cho tài khóa 2019 với hàng loạt chính sách nhằm đối phó với Trung Quốc, thể hiện sự đồng thuận cao giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa. “Trung Quốc đang hiện đại hóa quân đội, thực hiện các chiến dịch gây ảnh hưởng và kinh tế chụp giật để ép các nước láng giềng thay đổi trật tự khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương vì lợi ích của họ”, đạo luật nêu rõ.
Đạo luật Ủy nhiệm quốc phòng mới cũng ngăn việc rút binh sĩ Mỹ khỏi Hàn Quốc, đồng thời ghi rõ 28.500 binh sĩ đồn trú tại đây là sự thể hiện cam kết của Washington với đồng minh. Theo đó, việc rút một số quân đáng kể không phải là điều khoản có thể đưa ra để đàm phán liên quan đến việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn CHDCND Triều Tiên.
Tờ The Wall Street Journal đưa tin NDAA lần này có nội dung được cho là cứng rắn nhất với Trung Quốc từ trước đến nay. Theo đó, đạo luật cấm Trung Quốc tham gia cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) thường niên, trừ phi Bắc Kinh ngưng hoạt động quân sự hóa phi pháp ở Biển Đông. “Đó là tín hiệu gửi đến những đồng minh và đối tác trong khu vực rằng các hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông không thể chấp nhận như là chuyện bình thường”, ông Rachel Burton, Phó giám đốc Viện Dự án 2049 (Mỹ), nhận định.
Bên cạnh Biển Đông, đạo luật cũng đề cập kế hoạch tăng cường hợp tác quân sự với Ấn Độ và Đài Loan, đồng thời tập trung vào việc đối phó với các hoạt động kinh tế của Trung Quốc. Cụ thể, Ủy ban Đầu tư nước ngoài sẽ rà soát về an ninh quốc gia đối với các giao dịch với Trung Quốc và tăng cường kiểm soát xuất khẩu trong lĩnh vực công nghệ. Theo The Wall Street Journal, dù điều khoản này có thể ảnh hưởng đến doanh nghiệp Mỹ nhưng nhiều người rất ủng hộ do lo ngại về các chính sách của Trung Quốc. “Chúng ta bị nhiều nước đe dọa an ninh quốc gia trên lĩnh vực phá hoại kinh tế, nhưng không nước nào sánh được với Trung Quốc”, ông Bill Evanina, Giám đốc Trung tâm phản gián và an ninh quốc gia Mỹ, cảnh báo.
Đạo luật yêu cầu báo cáo hằng năm về Trung Quốc phải kèm thông tin về động thái của Bắc Kinh nhằm gây ảnh hưởng đối với Washington liên quan đến truyền thông, viện văn hóa, doanh nghiệp cũng như học giả và giới hoạch định chính sách. Một điều khoản khác giới hạn chi tiêu của Bộ Quốc phòng cho các chương trình tiếng Hoa tại những đại học ở Mỹ có Viện Khổng tử. Phản ứng trước đạo luật, một phát ngôn viên Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington kêu gọi Mỹ chấm dứt “tâm lý chiến tranh lạnh” và cho rằng văn bản này “sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến lòng tin” giữa hai nước. Trong khi đó, nhiều nghị sĩ Mỹ tỏ ra tức giận vì đạo luật không đề cập đến việc cấm Hãng viễn thông ZTE của Trung Quốc giao dịch với các công ty Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.