Điểm nóng Myanmar: 7 người biểu tình chết, nhà máy Trung Quốc lại bị đốt phá

07/04/2021 18:23 GMT+7

Truyền thông Myanmar ngày 7.4 đưa tin 7 người biểu tình bị bắn chết và nhà máy của Trung Quốc bị đốt phá.

Reuters dẫn lại thông tin từ truyền thông Myanmar cho biết quân đội Myanmar đã nổ súng nhắm vào những người biểu tình phản đối chính quyền quân sự tại thị trấn Kale và Bago trong ngày 7.4.
Các nhân chứng cho biết đã có thương vong và tiếng súng liên tiếp xảy ra tại hai thị trấn này và một số nơi khác. Hãng tin Mizzima và Irrawaddy (Myanmar) cho biết có ít nhất 7 người thiệt mạng và một số người bị thương. Theo Reuters, hơn 580 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình diễn ra gần như hằng ngày kể từ cuộc chính biến hôm 1.2 và quân đội thiết lập chính quyền quân sự.

Sau hoa và trứng, người biểu tình Myanmar dùng sơn đỏ phản đối chính biến

Trong ngày 7.4, một nhà máy may mặc do người Trung Quốc làm chủ bị phóng hỏa ở thành phố Yangon. Sở cứu hỏa ở Yangon xác nhận đó là nhà máy may mặc JOC của Trung Quốc, nhưng chưa có báo cáo về thương vong và thiệt hại. Hồi tháng rồi, Myanmar ghi nhận hàng loạt vụ tấn công nhằm vào 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư ở Yangon. Diễn viên hài nổi tiếng nhất Myanmar là Zarganar đã bị bắt vào ngày 6.4.
Trong tuyên bố cùng ngày, Tổng tư lệnh quân đội Myanmar Min Aung Hlaing chỉ trích phong trào biểu tình đang "hủy diệt" Myanmar, làm gián đoạn hoạt động của bệnh viện, trường học, đường xá, văn phòng và nhà máy.
Quân đội đã ban hành lệnh bắt giữ đối với hàng trăm người, bao gồm các nghệ sĩ và những người nổi tiếng. Kể từ cuộc chính biến hôm 1.2, lực lượng an ninh đã bắt gần 3.500 người và đến 2.750 người vẫn đang bị giam giữ, theo Reuters.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab đã thảo luận về những biện pháp mà Anh và cộng đồng quốc tế có thể hỗ trợ nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng ở Myanmar, Ngoại trưởng Indonesia, bà Retno Marsudi nói sau cuộc gặp với người đồng cấp Anh tại thủ đô Jakarta ngày 7.4, theo Reuters. Hiện Indonesia là một trong số các quốc gia Đông Nam Á dẫn đầu nỗ lực thúc đẩy đàm phán cấp cao về Myanmar.

Người biểu tình phản đối chính quyền quân sự tuần hành tại thị trấn Launglon (Myanmar), yêu cầu trả tự do cho bà Aung San Suu Kyi

Reuters

Còn các nước phương Tây tìm cách gây áp lực đối với quân đội Myanmar bằng cách áp đặt một số lệnh cấm vận nhắm vào những doanh nghiệp do quân đội Myanmar kiểm soát.
Trong báo cáo ngày 7.4, công ty nghiên cứu thị trường và phân tích dữ liệu Fitch Solutions (Anh) cảnh báo chỉ nhắm vào các lệnh cấm vận khó có thể giúp khôi phục ổn định ở Myanmar. Fitch Solutions đồng thời cảnh báo bạo lực tiếp tục bùng phát trong thời gian tới giữa lúc một số nhóm vũ trang thiểu số, kiểm soát nhiều khu vực ở vùng biên giới Myanmar, tuyên bố không thể đứng nhìn quân đội giết người và cũng đã có những đợt giao tranh với quân đội trong tuần qua.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Nga ngày 6.4 cho biết Moscow phản đối các lệnh cấm vận chống lại chính quyền quân sự Myanmar, đồng thời cảnh báo những biện pháp trừng phạt có thể châm ngòi cho một cuộc nội chiến ở nước này.
Hồi tuần rồi, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc (LHQ) đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc trước “tình hình Myanmar ngày càng xấu đi".
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.