Việc xây dựng hệ thống cao tốc liên bang được quốc hội Mỹ phê chuẩn lần đầu năm 1944. Tuy nhiên, Thế chiến 2 khiến kế hoạch bị hoãn nhiều lần trước khi chính thức được thông qua năm 1956. Hệ thống không lâu sau đã chứng tỏ được tầm ảnh hưởng tích cực đến sự tăng trưởng kinh tế, giảm tai nạn giao thông, đem lại lợi ích to lớn cho người dân đồng thời là nhân tố quan trọng cho an ninh quốc phòng.
Ngày 29.6.1956, Tổng thống Dwight D. Eisenhower ký Điều luật Trợ giúp đường cao tốc liên bang, cho phép ra đời hệ thống đường cao tốc liên bang (sau này gọi là Hệ thống đường cao tốc phòng thủ liên bang, gọi tắt là Eisenhower System). Theo điều luật này, một hệ thống đường cao tốc chất lượng cao dài tổng cộng 41.000 dặm (tương đương 65.000 km) sẽ được xây dựng, kết nối các tiểu bang. Sau đó, quốc hội thông qua đạo luật bổ sung tổng chiều dài hệ thống là 42.500 dặm (68.000 km) và yêu cầu phải đạt tiêu chuẩn super highway - siêu cao tốc (ít nhất 4 làn đường cho 2 chiều) đối với tất cả các tuyến xuyên liên bang.
Mục tiêu xây dựng sẽ hoàn tất vào năm 1975, với tên gọi hệ thống đường thu phí, ban đầu dựa trên cơ sở đánh phí vào nhiên liệu. Đối với các tuyến xuyên liên bang, tiêu chuẩn được áp cao hơn, đòi hỏi tất cả tuyến đường phải là siêu cao tốc (super highway, mỗi chiều giao thông có từ 2 làn đường trở lên) và không có ngã tư hoặc tín hiệu giao thông. Để thực hiện việc đó, Mỹ đã phải xây dựng hơn 5.500 cầu vượt.
Năm 1960, hơn 10.000 dặm (16.000 km) cao tốc đầu tiên hoàn thành, đến năm 1965 là 20.000 dặm và năm 1970 là 30.000 dặm và đến năm 1980, toàn bộ 42.700 dặm cao tốc (68.320 km) đã được hoàn tất, kết nối 49 tiểu bang của Mỹ.
Sự màu nhiệm của hệ thống đường cao tốc
Trong báo cáo về hệ thống đường cao tốc sau 40 năm đầu tư và vận hành, cơ quan tư vấn Wendell Cox nhận định đây là “quyết định đầu tư tốt nhất của Mỹ”.
Báo cáo nêu rõ: “Không có hệ thống cao tốc liên bang, cuộc sống ở Mỹ có lẽ đã rất khác: dân Mỹ sẽ chịu rủi ro nhiều hơn, đời sống kém thoải mái và không được thịnh vượng như họ đang tận hưởng. Không có hệ thống cao tốc, người dân sẽ phải chen nhau trong những đô thị chật chội. Sự nặng nề, chậm chạp trong lưu thông sẽ khiến việc đi lại giữa các thành phố bị hạn chế. Chi phí lưu thông hàng hóa sẽ cao hơn, làm đội giá thành sản phẩm. Và dĩ nhiên, thú vui
du lịch cũng sẽ bị hạn chế”.
Sau 40 năm, hệ thống Eisenhower đã minh chứng việc đầu tư đã đem lại cho đất nước những thay đổi tích cực:
- Nâng chất lượng cuộc sống của tất cả người dân Mỹ.
- Cứu được ít nhất 187.000 mạng người nhờ giảm thiểu số vụ tai nạn giao thông.
- Giúp gần 12 triệu người tránh được bị thương do tai nạn.
- Thu được lợi tức 6 đô la về mặt kinh tế cho mỗi đô la chi phí đầu tư.
- Đặt Mỹ vào vị trí ưu việt trên bản đồ cạnh tranh
thế giới.
- Tạo cơ hội cho người dân Mỹ đi lại, tự do làm ăn trong không gian địa lý rộng hơn.
- Kết nối thành thị với các vùng sâu, vùng xa; giảm thời gian đi lại giữa các địa phương ít nhất 23%.
- Nâng tầm khả năng phòng thủ quốc gia.
Báo cáo nhận xét: “Không hề phóng đại, hệ thống đường cao tốc giống như một động cơ đưa đất nước Hoa Kỳ đạt mức thịnh vượng ngoài trông đợi và là bệ phóng để Mỹ giữ được vị trí siêu cường khi bước vào thế kỷ 21”.
Cao tốc 50 ở Sacramento, California
|
Ngoài việc đem lại lợi ích về kinh tế: thu về ít nhất 6 đô la lợi nhuận so với 1 đô la đầu tư ban đầu, ngay từ đầu, hệ thống cao tốc đã giúp tăng tỉ lệ việc làm. Trong khi tỷ lệ dân số tăng 70% thì việc làm đã tăng tới 100%, tức tăng ¼ trong vòng 40 năm cùng với tỷ lệ nữ tham gia vào lực lượng lao động cao hơn hẳn so với trước đó.
Chi phí cao tốc và những lợi ích đem lại
Năm 1958, Bộ Thương mại Mỹ ước tính chi phí xây dựng hệ thống cao tốc liên bang sẽ tốn khoảng 41 tỉ USD. Qua nhiều năm, quốc hội yêu cầu Cơ quan quản lý hệ thống cao tốc báo cáo về tiến độ thi công và chi phí hoàn thành. Trải qua 40 năm, nhiều thay đổi đã khiến chi phí thi công đội lên 37% so với ước tính ban đầu. Trong đó, chi phí do lạm phát chiếm quá phân nửa và chiếm 13,8% tổng chi phí. Các chi phí về điều chỉnh dự án, thêm hệ thống giám sát, tăng tính an toàn, thay đổi địa điểm,... chiếm 40% chi phí phát sinh, tương đương 10,7% tổng chi phí. Còn lại 10% chi phí phát sinh đến từ những lý do khác.
Tính chung lại, ước tính tổng chi phí của toàn hệ thống cao tốc xuyên liên bang đạt 329 tỉ USD theo thời giá năm 1996, tương đương 58,5 tỉ USD theo thời giá năm 1957.
Chi phí nhiều, nhưng lợi ích của hệ thống đem lại không hề nhỏ. Báo cáo chỉ ra như sau:
- Tốc độ lưu thông hàng hóa tăng nhanh đã giúp giảm chi phí chuyên chở. Trong đó, chi phí chuyên chở trên các tuyến liên bang thấp hơn 17% so với các tuyến cao tốc khác.
- Hệ thống cao tốc giúp tiếp cận tới những vùng đất xa, rẻ tiền và khuyến khích các vùng này phát triển.
- Thời gian vận chuyển hàng hóa nhanh và chính xác, giúp giảm chi phí lưu kho và tăng hiệu quả của sản xuất.
- Mạng lưới cao tốc giúp mở rộng mạng lưới bán lẻ, tính cạnh tranh cao hơn, giúp
người tiêu dùng có cơ hội chọn lựa và mua sắm với giá rẻ hơn. Từ đó, thị trường được hình thành trên một diện tích địa lý rộng lớn, làm giảm giá thành.
Năm 1970, hệ thống cao tốc giúp nền kinh tế Mỹ hưởng lợi đạt mức đỉnh điểm với giá trị ước tính 38 tỉ USD. Trong 40 năm, chi phí sản xuất ước tính giảm được 1.000 tỉ USD – tức hơn 3 lần tổng chi phí xây dựng hệ thống cao tốc. Ngoài ra, việc xây dựng hệ thống cao tốc còn đem đến một nền kinh tế chia sẻ, tạo ta 7,5 triệu việc làm trong các ngành công nghiệp liên quan, chiếm 1/6 tổng lực lượng lao động lúc này của Mỹ.
Đường sá là huyết mạch của một nền kinh tế. Đường sá kết nối giữa nhà sản xuất và thị trường, đưa công nhân tiếp cận việc làm, học sinh đến trường, đưa bệnh nhân đến bệnh viện và giữ vai trò quan trọng trong bất cứ sự phát triển của quốc gia nào. Từ 2002, World Bank đã tài trợ cho việc xây mới hoặc tu sửa tổng cộng 260.000km đường cao tốc. Họ cho vay với tổng số tiền cao hơn hẳn những lãnh vực giáo dục, sức khỏe và dịch vụ xã hội cộng lại.
|
Bình luận (0)