Khi châu Âu xoay trục đối phó Trung Quốc ở Indo-Pacific

08/11/2020 08:00 GMT+7

Sau Anh và Pháp, Đức vừa có hành động cụ thể để đối phó Trung Quốc ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương khi đề xuất điều động chiến hạm đến khu vực này để huấn luyện chung với Úc.

Truyền thông Úc hôm qua 7.11 dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer cho hay nước này muốn gửi chiến hạm đến Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific) để tập trận cùng hải quân Úc ở khu vực này. Úc là một thành viên trong “bộ tứ kim cương” (gồm Mỹ, Nhật, Ấn Độ và Úc) được xem là bộ khung của chiến lược Indo-Pacific nhằm đối phó các hành vi của Trung Quốc trong khu vực.

Hợp tác với “các đồng minh cùng chí hướng”

Đài ABC dẫn lời bà Karrenbauer cho rằng dù Trung Quốc là một đối tác quan trọng, nhưng cũng cảnh báo Bắc Kinh “đang phá hoại một trật tự thế giới dựa trên luật pháp”. Qua đó, bà khẳng định Berlin đang tìm cách tăng cường hiện diện ở Indo-Pacific bằng cách hợp tác với “các đồng minh cùng chí hướng”. Vừa qua, Đức đã công bố chiến lược về Indo-Pacific.
Bộ trưởng Quốc phòng nước này cũng khẳng định Berlin, cũng như cả châu Âu, đều “cần một tình hình ổn định ở Indo-Pacific”. Qua đó, bà gửi đi thông điệp Đức ủng hộ tự do hàng hải ở các vùng biển trong khu vực. Đồng thời, vị bộ trưởng này cũng khẳng định sáng kiến Một vành đai - Một con đường của Trung Quốc là “một thách thức cần phải phản ứng”.

Sự phối hợp giữa Mỹ và các đồng minh

Trả lời Thanh Niên ngày 7.11, PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, học giả tại Quỹ châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) nhận xét: “Bên cạnh việc đề xuất gửi tàu chiến đến Indo-Pacific để phối hợp cùng Úc, Đức còn nhận xét rõ sự khác biệt về Trung Quốc với phương Tây trong cách hiểu về luật lệ quốc tế. Điều đó cho thấy một tín hiệu mạnh mẽ từ phương Tây về việc cùng nhau đồng thuận trước những thách thức đến từ Trung Quốc đối với trật tự quốc tế”.
PGS Nagy nói thêm: “Cùng với việc Đức định ra chính sách quốc gia về Indo-Pacific, chúng ta có thể thấy nước này cùng các thành viên EU khác đang lo ngại về hành vi của Trung Quốc. Chúng ta có thể sớm nhìn thấy Đức và các thành viên EU ngày càng có nhiều hoạt động ở Indo-Pacific xoay quanh việc phối hợp huấn luyện chung, phát triển cơ sở hạ tầng, kết nối ngoại giao để gửi tín hiệu mạnh mẽ đến Bắc Kinh rằng Mỹ cùng các đồng minh đều đánh giá các hành vi của Trung Quốc là không thể dung thứ”.
Cũng trả lời Thanh Niên vào ngày 7.11, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Động thái mới của Đức cho thấy châu Âu nhận thức rõ Indo-Pacific quan trọng như thế nào”.
Theo TS Nagao, gần đây, dường như các nước ở cựu lục địa đang tăng cường hợp tác với các đối tác Indo-Pacific. Năm 2019, Pháp đã điều động nhóm tác chiến tàu sân bay đến Ấn Độ Dương và tiến hành nhiều cuộc tập trận chung với Ấn Độ, Nhật... Cùng năm 2019, tàu hộ tống của Pháp Vendémiaire thực thi tự do hàng hải (FONOP) ở eo biển Đài Loan. Anh cũng đã thông báo tàu sân bay HMS Queen Elizabeth (R08) của nước này sẽ chọn Ấn Độ Dương làm điểm đến trong chuyến viễn dương đầu tiên. Vì thế, sau Anh và Pháp, động thái trên của Đức cho thấy châu Âu đang nhận thức rõ tầm quan trọng của Indo-Pacific.
“Có lý do để các “ông lớn” tại cựu lục địa phải can dự vào Indo-Pacific trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy. Cụ thể, Bắc Kinh dần tạo ra tác động nhằm vào châu Âu. Năm 2016, khi các thành viên EU chỉ trích Trung Quốc về vấn đề nhân quyền, thì một thành viên của EU là Hy Lạp đã phản đối. Sở dĩ Hy Lạp đưa ra phản ứng vì nước này nhận được rất nhiều đầu tư từ Trung Quốc. Kể từ đó, các nước châu Âu nhìn thấy rõ hơn nguy cơ tiềm ẩn từ các khoản đầu tư mà Trung Quốc đổ vào cựu lục địa. Năm 2020, khi Covid-19 bùng nổ, các cuộc khảo sát cho thấy dư luận ở nhiều nước châu Âu như Anh, Pháp, Đức... đánh giá tiêu cực về Trung Quốc cũng nhiều hơn”, TS Nagao phân tích.
Bên cạnh đó, theo ông Nagao, động thái mới của Đức cho thấy các nước châu Âu đang tăng cường hợp tác với Mỹ về Indo-Pacific. Điều tương tự cũng diễn ra với một số đồng minh khác của Washington. Điển hình là Canada đã điều các tàu chiến đến hoạt động ở cả Biển Đông lẫn biển Hoa Đông. Anh, Pháp, Đức và Canada đều là đồng minh của Mỹ, nên những động thái của các nước này cho thấy cùng theo đuổi một chiến lược do Washington dẫn đầu.
“Sự tham gia của châu Âu ở Indo-Pacific chỉ ra mối quan hệ Á - Âu kiểu mới. Các nước châu Âu đang muốn hợp tác với các nước trong Indo-Pacific để có thể hoạt động ở khu vực này. Như Đức thì chọn hợp tác với Úc. Năm 2016, chiến đấu cơ của Anh đã đến Nhật Bản, rồi hai bên cùng tập trận chung. Khi đó, quân đội Anh sử dụng căn cứ quân sự của Nhật Bản. Gần đây, nhóm Ngũ Nhãn là liên minh chia sẻ thông tin tình báo gồm Mỹ, Anh, Canada, Úc và New Zealand muốn mời Nhật tham gia. Anh cũng đề nghị hợp tác đóng tàu sân bay cùng Ấn Độ. Những diễn biến trên cho thấy hợp tác quân sự Á - Âu đang được đẩy mạnh”, TS Nagao nhận định.
Châu Âu lo ngại tham vọng của Bắc Kinh
Đầu tháng 10, truyền thông quốc tế dẫn lời Đô đốc Tony Radakin, tư lệnh hải quân Anh, phân tích biến đổi khí hậu đang khiến dần hình thành nên tuyến hàng hải chạy theo vùng biển ngoài khơi nước Nga, xuyên qua Bắc Băng Dương thì tàu biển có thể đến châu Âu mà không cần tàu phá băng suốt nhiều tháng trong năm.
Từ đó, tư lệnh hải quân Anh đặt ra rủi ro Trung Quốc với lực lượng tàu chiến ngày càng hùng hậu có thể dễ dàng tiếp cận châu Âu bằng nhiều hướng. Tuyến hàng hải phía bắc, vượt qua Bắc Băng Dương, rút ngắn thời gian từ 10 - 12 ngày so với tuyến hàng hải phía nam truyền thống (từ Trung Quốc đi đến Biển Đông, lần lượt qua eo biển Malacca, Ấn Độ Dương rồi đến châu Âu).
Vào tháng 9, Anh cùng với Pháp và Đức gửi công hàm lên LHQ nhằm thể hiện sự phản đối về tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.