Khi tuần duyên Mỹ đối phó hải cảnh Trung Quốc

25/03/2021 07:17 GMT+7

Tại Thái Bình Dương, lực lượng tuần duyên Mỹ đang tăng cường hoạt động nhằm đối phó các thách thức, trong đó có mối nguy từ hải cảnh Trung Quốc mà vốn bị xem là một lực lượng “hung thần” trên Biển Đông .

Mới đây, đô đốc Karl Schultz, Tư lệnh Lực lượng tuần duyên Mỹ (USCG), đã có bài phát biểu về chiến lược phát triển và hoạt động của lực lượng này.

Thay đổi để đối đầu thách thức

Theo chuyên san USNI, sau bài phát biểu, tư lệnh Schultz đã có cuộc nói chuyện với một số nhà báo. Qua đó, ông khẳng định USCG thực sự tập trung vào khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
Hải cảnh Trung Quốc không chỉ tiến hành tuần tra ven biển thông thường. Lực lượng này còn sở hữu các tàu vũ trang lớn hơn cả tàu tuần dương và mở rộng hoạt động ở chuỗi đảo thứ nhất. Đó là một phần trong chiến lược vươn vòi của chính quyền Trung Quốc”, đô đốc Schultz nhận xét và cho rằng Indo-Pacific là nơi mà Mỹ phải cạnh tranh với Trung Quốc.

Trung Quốc tiếp tục bồi đắp bãi đá Xu Bi ?

Tờ South China Morning Post ngày 24.3 dẫn các hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc lại bồi đắp đá Xu Bi tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam nhưng đang bị Trung Quốc kiểm soát trái phép. Cụ thể, các hình ảnh do Công ty công nghệ Maxar (Mỹ) công bố đã chỉ ra sự xuất hiện của bãi đất mới rộng khoảng 2,85 ha trên bãi đá Xu Bi, vốn chưa xuất hiện trong hình chụp ngày 20.2.
Nhận xét về sự thay đổi của USCG khi trả lời Thanh Niên ngày 24.3, ông Gregory B.Poling, Giám đốc chương trình Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ), cho rằng: “USCG khó thể hiện một vai trò lớn, mà có lẽ chỉ tập trung vào việc đào tạo, chia sẻ kinh nghiệm với các nước trong khu vực. Mỹ đã điều động 2 tàu tuần duyên đồn trú tại đảo Guam, nhưng chủ yếu để chống việc đánh bắt hải sản trái phép ở Micronesia”.
Trong khi đó, cũng trả lời Thanh Niên, TS James Holmes (chuyên gia chiến lược hàng hải - Đại học Hải chiến Mỹ) phân tích: “Hoạt động của USCG có thể cung cấp nhiều ý nghĩa chính trị cho Washington và đồng minh ở khu vực Thái Bình Dương. Nếu Mỹ có nhân lực, tàu vũ trang hoặc máy bay của USCG trong khu vực để hỗ trợ các đồng minh thực thi các quyền hàng hải, nhằm chứng minh cam kết của Washington. Như thế, Washington có thể dùng sức mạnh Mỹ để phối hợp đối phó các thách thức ở Biển Đông hoặc những nơi khác như một biện pháp răn đe”.
Thế nhưng, vị chuyên gia này cũng đặt ra một vấn đề khác: “USCG hiện chỉ có nguồn lực ngân sách, tàu vũ trang và máy bay đủ đáp ứng việc hoạt động ở các vùng biển lân cận, vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ. Vì thế, USCG sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai lực lượng hoạt động ở các vùng biển xa”.

Chiến lược tích hợp lực lượng “3 trong 1”

Có lẽ để giải quyết khó khăn vừa nêu, USCG đang tăng cường phối hợp với hải quân và thủy quân lục chiến Mỹ. Đây chính là điều mà đô đốc Schultz đề cập trong bài phát biểu trên, khi nhắc lại việc Mỹ lên kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên.
Kế hoạch này được giới quân sự Mỹ đề ra vào cuối năm 2020. Theo bản kế hoạch, Mỹ đang đứng trước các thách thức lớn kể từ sau Thế chiến 2 khiến cho quyền lợi nước này bị đe dọa, nên cần phải tái tổ chức lực lượng phù hợp. Bên cạnh các thách thức ở biển Hoa Đông, biển Ả Rập..., thì Biển Đông là một thách thức lớn, khi Trung Quốc đang liên tục tăng cường quân sự hóa các thực thể, đảo nhân tạo nhằm độc chiếm vùng biển này.
Phân tích khi trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) cho rằng kế hoạch giúp các hoạt động ứng phó trở nên chặt chẽ và toàn diện hơn.
“Ví dụ lực lượng tuần duyên phù hợp giải quyết thách thức về môi trường và thực thi pháp luật trong lĩnh vực hàng hải như ngăn cản hành vi bắt nạt ngư dân, phá hoại môi trường, buôn lậu... Đó là những hành vi không phải gây chiến, nhưng ẩn chứa rủi ro phá hoại, thậm chí dẫn đến xung đột”, cựu đại tá Schuster nói và cho rằng thủy quân lục chiến có thể phối hợp các lực lượng phòng thủ trên bờ, hợp tác với các đồng minh để tiến hành đổ bộ, đáp ứng cả yêu cầu sơ tán cứu hộ khi cần thiết. Còn hải quân thì cung cấp hỗ trợ toàn diện trên biển và cả trên không.
Thực tế, Trung Quốc cũng đã đặt lực lượng hải cảnh trực thuộc quân đội nước này. Chính vì thế, việc tuần duyên Mỹ tăng cường hoạt động và tham gia phối hợp “3 trong 1” cũng là biện pháp để đối phó Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.