Khoảng 3.000 phóng viên quốc tế đến Hà Nội săn tin thượng đỉnh Mỹ-Triều

24/02/2019 06:30 GMT+7

Đến nay đã có gần 3.000 phóng viên nước ngoài đăng ký tác nghiệp tại sự kiện được cả thế giới mong đợi, hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2 giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un của CHDCND Triều Tiên.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ 2 sẽ diễn ra tại Hà Nội ngày 27 - 28.2, nhiều báo đài quốc tế điều động lực lượng hùng hậu có mặt tại Hà Nội từ kề từ ngày 20.2 chia thành nhiều nhóm.
Mặc dù trời mưa rét, các phóng viên này vẫn bám trụ hiện trường với kỳ vọng ghi nhận thông tin, hình ảnh tốt nhất về phái đoàn đàm phán cũng như công tác chuẩn bị thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Chiếm số đông là phóng viên từ những đài, báo, hãng tin lớn của Hàn Quốc, Nhật Bản như KBS, NHK, SBS, Fuji, Yonhap.
Các phóng viên phải dùng túi nhựa bọc kỹ lưỡng máy ảnh và thiết bị ghi hình. Một tách trà, vài miếng bánh nhỏ, họ thậm chí uống nước vừa phải để không phải rời khỏi vị trí thường xuyên.
"Tôi mang theo camera, chân máy, thiết bị truyền dữ liệu di động. Thời tiết vẫn khá ổn vì chưa mưa to. Tôi bắt đầu làm việc từ 7h sáng và kết thúc vào lúc 8h tối. Phở là món ăn khá phổ biến ở Hàn Quốc, bánh mỳ cũng thế, tôi có thể ăn được nhiều món", phóng viên KBS Johnny Koh chia sẻ khi đang “đóng quân” tại khuôn viên tầng 2 một quán cà phê ngay bên Nhà khách Chính phủ cùng các tuyến đường khác.
“Mỗi ngày chúng tôi có mặt tại hiện trường kể từ lúc 6 giờ sáng nhằm ghi nhận thông tin và hình ảnh mới nhất liên quan đến trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên về vấn đề hạt nhân, ông Kim Hyok-chol. Ê kíp của chúng tôi có thể nói sẽ làm việc không ngừng nghỉ từ 6 giờ sáng cho đến 11 giờ đêm mỗi ngày suốt sự kiện lần này”, phóng viên You Ji-lee của đài News1 (Hàn Quốc) cho biết.
Phóng viên quốc tế có mặt trước khách sạn của phái đoàn Mỹ để đưa tin Ngọc Dương

Nữ phóng viên Noh Ji-won của tờ The Hankyoreh (Hàn Quốc) chia sẻ thêm: “Tôi kỳ vọng hai lãnh đạo sẽ tuyên bố: “Chiến tranh chưa bao giờ kết thúc trong 70 năm qua chính thức chấm dứt”. Tôi dự đoán Chủ tịch Kim sẽ thể hiện cho Tổng thống Trump thấy thiện chí và quyết tâm phi hạt nhân hóa. Chủ tịch Kim có thể cam kết đưa ra một số biện pháp giải giới hạt nhân cụ thể, chẳng hạn phá hủy hoàn toàn tổ hợp hạt nhân Yongbyon với điều kiện Mỹ gỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt”.

Cô Noh dự đoán Chủ tịch Kim sẽ công bố thời điểm, lộ trình giải trừ vũ khí hạt nhân như ông từng cam kết trong thỏa thuận đạt được từ cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in hồi năm 2018, đồng thời cho phép quan sát viên quốc tế đến xác nhận việc phá hủy bãi thử hạt nhân Punggye-ri và khu thử động cơ tên lửa Dong chang-ri.

Nhìn chung, các phóng viên Hàn Quốc kỳ vọng Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần 2 sẽ kết thúc với lộ trình cụ thể, trong đó 2 quốc gia đưa ra những biện pháp tương hỗ hướng đến giải trừ vũ khí hạt nhân hoàn toàn. Về dư luận Hàn Quốc, theo quan sát của phóng viên Noh, người dân có nhiều phản ứng đa chiều khác nhau về thông tin thượng đỉnh: hào hứng, lạc quan, hoặc lo ngại.

 
Trả lời Thanh Niên, du khách quốc tế ở Hà Nội bày tỏ hy vọng thượng đỉnh Mỹ-Triều gặt hái kết quả tốt đẹp. Du khách người Anh Beatrice Ellefsen tỏ ra háo hức khi có mặt tại Hà Nội trùng khớp với thời điểm diễn ra sự kiện đặc biệt này.
Du khách người Úc Dallas Davies kỳ vọng thượng đỉnh sẽ gặp hái kết quả tốt đẹp hướng đến hòa bình ở bán đảo Triều Tiên. Giáo sư ngành du lịch Howard Adler thuộc Đại học Purdue (Mỹ) nhận định Hà Nội với những món ăn ngon, con người thân thiện xứng đáng là thành phố vì hòa bình.
Ông Adler đánh giá: “Hà Nội có công tác chuẩn bị khá chu đáo cho thượng đỉnh. Đây là điều tuyệt vời và một lần nữa hai quốc kỳ Mỹ và Triều Tiên lại xuất hiện gần nhau”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.