Khói cháy rừng làm gia tăng nhiễm, tử vong vì Covid-19?

16/08/2021 16:22 GMT+7

Một nghiên cứu mới đây cho thấy khói bụi độc hại từ các trận cháy rừng lớn đang hoành hành khắp miền Tây nước Mỹ có khả năng đã làm tăng đột biến số ca nhiễm và tử vong do Covid -19 ở một số bang của nước này.

Theo các nhà nghiên cứu của Đại học Harvard (Mỹ), các hạt bụi mịn PM2.5 có thể đã làm gia tăng tỷ lệ nhiễm Covid-19 lên gần 20% ở một số quận của 3 bang California, Oregon và Washington, trong bối cảnh các vụ cháy rừng kỷ lục diễn ra vào năm 2020.
Nhìn chung, hơn một nửa số ca tử vong do Covid-19 ở các khu vực này có liên quan đến ô nhiễm khói do cháy rừng, theo nghiên cứu được công bố trên chuyên san khoa học Science Advances ngày 13.8.
Các nhà khoa học cho rằng khói bụi ô nhiễm do cháy rừng có thể giúp virus lây lan và đồng thời làm suy yếu phổi của người dân trước khi mắc Covid-19, từ đó làm tăng khả năng bị bệnh nặng hoặc tử vong.
Tờ The Guardian dẫn lời giáo sư Francesca Dominici tại Trường Y tế Công cộng Harvard TH Chan (Mỹ), đồng tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Sự kết hợp giữa cháy rừng và đại dịch có thể gây ra hậu quả thực sự thảm khốc. Điều này thật đáng lo ngại”.

Quá tải vì Covid-19, bệnh viện Mỹ dùng nhà giữ xe đặt giường cho bệnh nhân

Trong quá trình nghiên cứu, các nhà khoa học đã xem xét các yếu tố có thể gây tăng đột biến số ca nhiễm tại 92 quận ở 3 bang California, Oregon và Washington. Theo đó, tổng số ca nhiễm Covid-19 liên quan đến khói cháy rừng ở 3 bang này từ tháng 3 đến tháng 12.2020 là 19.742 người và số ca tử vong là 748 người.
Ngoài ra, theo một nghiên cứu trước đó mà giáo sư Dominici từng tham gia, tỷ lệ người tiếp xúc lâu dài với không khí ô nhiễm gia tăng có liên quan đến sự gia tăng 11% số ca tử vong do Covid-19. Một nghiên cứu khác từ năm 2020 cũng cho thấy 15% tổng số ca tử vong do Covid-19 trên khắp thế giới có liên quan đến không khí ô nhiễm.
“Tôi muốn nói với bất cứ ai sống ở nơi bị ảnh hưởng bởi cháy rừng rằng hãy đi tiêm phòng càng sớm càng tốt. Còn về lâu dài, điều này một lần nữa cho chúng ta thấy tầm quan trọng của việc đấu tranh với biến đổi khí hậu”, giáo sư Dominici cho biết.
Các nhà nghiên cứu nói rằng họ cần phải làm nhiều hơn nữa để xác định rõ mối liên hệ giữa khói cháy rừng và SARS-CoV-2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.