Thế giới chật vật chống chọi thiên tai

13/08/2021 08:33 GMT+7

Những đợt nắng nóng, lũ lụt và hạn hán khắc nghiệt đang xảy ra ngày càng thường xuyên hơn ở nhiều nước.

Ý trải qua mùa hè khắc nghiệt với nhiệt độ vừa phá kỷ lục nóng nhất châu Âu trong khi cháy rừng đang lan rộng ở đông nam lục địa già.

Châu Âu “ngộp” vì nóng

Đợt sóng nhiệt từ Bắc Phi đã gây nên tình trạng nắng nóng, cháy rừng trên diện rộng ở vùng Địa Trung Hải trong những ngày gần đây. Trong đó, đảo Sicily của Ý đã ghi nhận kỷ lục nhiệt độ mới tại châu Âu. Theo tờ The Guardian, cơ quan thông tin khí tượng - nông nghiệp Sicily (SIAS) cho hay nhiệt độ tại khu vực gần thành phố Syracuse là 48,80C hôm 11.8, cao hơn kỷ lục 480C từng được ghi nhận ở Athens (Hy Lạp) năm 1977.
Cùng ngày, Hệ thống thông tin cháy rừng châu Âu (EFFIS) thông báo gần 100.000 ha đất rừng và nông nghiệp đã bị cháy trụi trong gần 2 tuần qua tại Hy Lạp. Thủ tướng Kyriakos Mistotakis của nước này cho hay một số khu vực xảy ra gần 600 vụ cháy rừng, với mức độ tàn phá ở ngưỡng “thiên tai với cường độ hiếm thấy”. Evia, đảo lớn thứ hai của Hy Lạp, ghi nhận hơn phân nửa diện tích hòn đảo bị phá hủy vì hỏa hoạn. Rừng ở Siberia của Nga cháy dữ dội, với khói lần đầu tiên lan đến Bắc Cực. Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang trở thành mục tiêu kế tiếp của sóng nhiệt. Cơ quan thời tiết Tây Ban Nha dự báo nhiệt độ tại nước này sẽ tăng lên mức 440C từ ngày 12 - 16.8 còn Bồ Đào Nha cảnh báo nguy cơ cháy rừng chực chờ vì thời tiết nóng bức, theo AP.
Không chỉ ở châu Âu, tình trạng cháy rừng vì nhiệt độ tăng cao cũng đang xảy ra ở Mỹ. Reuters đưa tin California đang chứng kiến vụ cháy rừng lớn thứ hai trong lịch sử tiểu bang, trong khi giới chức bang Montana ra lệnh sơ tán dân cư ở các vùng lân cận. Các bang Oregon, Washington cũng chuẩn bị đón đợt sóng nhiệt thứ ba trong mùa hè năm 2021. Theo OregonLive, Thống đốc Kate Brown của bang Oregon đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì nắng nóng trên toàn tiểu bang.

Đâu là nguyên nhân ?

Năm nay, những quốc gia giàu có như Mỹ, Canada, Đức, Bỉ đều gia nhập danh sách bị ảnh hưởng bởi tần suất hiện tượng thời tiết cực đoan tăng mạnh. Những đợt lũ ở mức nguy hiểm chưa từng có đã càn quét Đức và các nước láng giềng, gây thiệt hại lớn về người và cơ sở hạ tầng. Theo các nhà nghiên cứu, tình trạng thay đổi khí hậu bất thường này phần lớn xuất phát từ hoạt động của con người.
Từ lâu, các nhà khoa học khí hậu dự báo việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong giao thông, hoạt động sản xuất và nạn khai thác rừng quá mức đang đẩy thế giới đến giai đoạn báo động, khi mà thời tiết cực đoan sẽ xảy ra với tần suất thường xuyên hơn trước. Ông Friederike Otto, trợ lý Giám đốc Viện Thay đổi khí hậu của Đại học Oxford (Anh), cho hay thời tiết cực đoan, đặc biệt là sóng nhiệt, đang xảy ra trên phạm vi toàn cầu. “Khí hậu đã thay đổi”, chuyên gia này khẳng định.
Mới đây, Ủy ban Liên chính phủ thuộc LHQ về biến đổi khí hậu (IPCC) công bố báo cáo xác nhận sự liên hệ rõ ràng giữa các hành động của con người và nguy cơ đến từ biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nếu hành động ngay lúc này, các chính phủ vẫn còn có thể ngăn chặn những hậu quả tồi tệ hơn, theo giới chuyên gia.
Các nhà nghiên cứu của Đại học Stanford (Mỹ) đã phát triển công cụ trí thông minh nhân tạo (AI) có khả năng ghi nhận và tổng hợp những điều kiện gây ra tình trạng mưa lớn quá mức ở vùng Trung Tây của nước này. Đây là khu vực chiếm hơn 50% số đợt lũ lụt quy mô lớn ở Mỹ. Báo cáo của nhóm chuyên gia Stanford công bố trên chuyên san Geophysical Research Letters mang đến một trong những cách tiếp cận đầu tiên sử dụng AI để phân tích các nguyên nhân dài hạn dẫn đến thời tiết cực đoan, từ đó giúp công tác dự báo chính xác hơn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.