Liên tục đệ trình văn bản lên LHQ về Biển Đông

Bảo Vinh
Bảo Vinh
04/06/2020 09:02 GMT+7

Gần đây, trước khi Mỹ gửi văn bản lên LHQ ngày 1.6 để phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông, nhiều bên đã có văn bản gửi LHQ để thể hiện quan điểm liên quan vùng biển này.

Ngày 12.12.2019: Malaysia có Công hàm số HA 59/12 đệ trình về thềm lục địa mở rộng của nước này tại Biển Đông lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa. Cùng ngày, Trung Quốc gửi Công hàm số CML/14/2019 tại LHQ phản đối đệ trình trên của Malaysia.
Ngày 6.3.2020: Philippines trình Công hàm số 000191-2020 phản đối CML/14/2019 của Trung Quốc, và Công hàm số 000192-2020 phản hồi Công hàm HA 59/12 của Malaysia. Ngày 23.3.2020, Trung Quốc trình Công hàm số CML/11/2020 phản đối Philippines.

Trung Quốc phản ứng công hàm của Mỹ

Trong cuộc họp báo ngày 3.6, khi được phóng viên đề nghị bình luận về thông báo trên Twitter ngày 2.6 của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo liên quan việc Mỹ đệ trình văn bản lên LHQ để phản đối yêu sách phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên cho rằng: “Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp tại Biển Đông. Thay vì tuân thủ cam kết giữ lập trường trung lập liên quan đến những tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, Mỹ thường xuyên tìm cách gây rối tại Biển Đông, sử dụng việc khiêu khích quân sự và có hành động nhằm phá vỡ mối quan hệ giữa các nước trong khu vực”. Ông Triệu tuyên bố toàn bộ những điều này đều không giúp ích cho hòa bình và ổn định tại Biển Đông, theo thông cáo đăng trên website Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Cũng vào ngày 3.6, Đại sứ Trung Quốc tại ASEAN Đặng Tích Quân đăng ảnh chụp bài viết của Ngoại trưởng Pompeo lên Twitter và tuyên bố: “Trái với cáo buộc vô căn cứ của Mỹ, những căng thẳng và bất ổn chắc chắn không xảy ra tại Biển Đông”. Ông Đặng nói rằng Mỹ không phải là một bên tranh chấp tại Biển Đông và không phải là thành viên Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS), “nên sự can thiệp của Mỹ tại Biển Đông chỉ đơn thuần nhằm mục đích chính trị và đi ngược lại với ý chí của các nước trong khu vực”. “Trung Quốc và các nước ASEAN sẽ kiên quyết giữ vai trò chủ chốt nhằm thúc đẩy hòa bình và ổn định trong tầm tay chúng tôi”, ông Đặng viết.
Cùng ngày, báo điện tử Rappler của Philippines đưa tin rằng công hàm của Mỹ đã gia tăng sức nặng cho sự phản đối gần đây của các nước Đông Nam Á, chống lại các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông và hối thúc Bắc Kinh tuân thủ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) năm 2016.
Vi Trân
Ngày 30.3.2020: Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ trình Công hàm số 22/HC-2020 để phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông được nêu trong Công hàm CML/14/2019 và Công hàm CML/11/2020.
“Các yêu sách này vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam tại Biển Đông. Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế.
Việt Nam khẳng định Công ước của LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS 1982) là cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển giữa Việt Nam và Trung Quốc”, Công hàm 22/HC-2020 nêu.
Ngày 10.4.2020: Phái đoàn Việt Nam tiếp tục gửi LHQ Công hàm số 24/HC-2020 và Công hàm số 25/HC-2020 để khẳng định lập trường trong vấn đề Biển Đông, lần lượt đề cập đến công hàm ngày 12.12.2019 của Malaysia và hai công hàm ngày 6.3.2020 của Philippines.
Ngày 17.4.2020: Trung Quốc trình Tổng thư ký LHQ Công hàm CML/42/2020 phản ứng ba công hàm 22, 24 và 25/HC-2020 của Việt Nam, đồng thời nêu các yêu sách chủ quyền phi lý ở Biển Đông. Ngày 23.4, phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Ngô Toàn Thắng nhắc lại Công hàm số 22/HC-2020 để phản ứng trước việc Trung Quốc lưu hành một số công hàm nêu các yêu sách chủ quyền phi lý đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Ngày 26.5.2020: Indonesia trình công hàm lên LHQ đề cập đến ba công hàm của Trung Quốc, bác bỏ yêu sách Vùng đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa đối với các thực thể tại Trường Sa, đồng thời lặp lại rằng “bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò) bao hàm yêu sách về các quyền lịch sử thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại với UNCLOS 1982”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.