Nhóm bảo vệ môi trường Ocean Conservancy (Mỹ) ước tính hơn 50% của 8 triệu tấn chất thải nhựa xuất hiện trên các đại dương mỗi năm đến từ Việt Nam, Indonesia, Philippines và Thái Lan, một phần vì những nước như Mỹ, Canada, Anh và Úc gửi lượng lớn rác thải đến Đông Nam Á trong nhiều thập niên qua, theo tờ South China Morning Post (SCMP).
Nhằm ngăn chặn tình trạng này, nhiều nước Đông Nam Á trong mấy năm gần đây đã quyết tâm ngăn chặn những lô hàng nhập khẩu rác không mong muốn, như Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hồi năm ngoái đe dọa cắt đứt quan hệ ngoại giao với Ottawa nếu Canada không chuyển trở lại lượng rác thải đã xuất khẩu sang quốc gia Đông Nam Á này. Ngoài ra, một số nước trong khu vực cũng đã có những biện pháp quyết liệt nhằm giảm lượng rác thải nhựa trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, nhưng những biện pháp này không được thực thi nghiêm ngặt trong thời gian giãn cách xã hội.
Hoãn lệnh cấm sử dụng đồ nhựa
Ở Philippines, rác thải từ các dịch vụ cung cấp thực phẩm và hoạt động thương mại điện tử đang dần trở thành mối quan ngại đối các nhà bảo vệ môi trường. Họ lo ngại người tiêu dùng sẽ phải lại dựa vào các dịch vụ cung cấp nhu yếu phẩm sau khi chính phủ Philippines tái áp đặt các biện pháp phong tỏa vùng thủ đô Manila và các tỉnh lân cận từ ngày 4.8 do đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh trở lại. Việc tái áp đặt lệnh phong tỏa có thể khiến hàng triệu người bị ảnh hưởng.
Trước đó, một số thành phố thuộc vùng thủ đô Manila đã giảm quy mô cuộc chiến chống rác thải nhựa. Chẳng hạn, thành phố Parañaque hoãn việc thực thi lệnh cấm dùng đồ nhựa sử dụng một lần từ tháng 6.2020 sang tháng 1.2021 do các doanh nghiệp than phiền những khó khăn khi tuân theo lệnh cấm trong lúc đối mặt tác động kinh tế từ biện pháp phong tỏa, theo SCMP.
Ngoài ra, thành phố Quezon, thành phố lớn nhất của Philippines với 3 triệu dân, cũng đã nới lỏng chính sách chống sử dụng đồ nhựa dùng một lần. Thay vì áp dụng lệnh cấm hoàn toàn từ tháng 7, chính quyền thành phố cho phép sử dụng hết sản phẩm nhựa dùng để đựng, đóng gói còn trong kho miễn họ có thông báo cho giới chức quản lý chất thải và bảo vệ môi trường.
Tương tự, chính phủ Thái Lan từ đầu năm 2020 bắt đầu thực hiện lệnh cấm dùng túi nhựa sử dụng một lần tại các cửa hàng lớn và các nhà bán lẻ sẽ hướng tới một lệnh cấm hoàn toàn vào năm 2021 nhằm giảm nạn ô nhiễm rác thải nhựa ở nước này trong những năm gần đây. Tuy nhiên, Thái Lan cũng có khuynh hướng sử dụng lại đồ nhựa dùng một lần kể từ khi bắt đầu áp đặt lệnh phong tỏa hồi tháng 3. Trích dẫn dữ liệu từ Viện nghiên cứu Môi trường Thái Lan, bà Pichmol Rugrod thuộc tổ chức Greenpeace (hòa bình xanh) ở Đông Nam Á, cho hay lượng rác thải từ đồ nhựa dùng một lần trung bình 2.115 tấn/ngày trước khi lệnh phong tỏa được áp dụng tăng lên hơn 3.400 tấn/ngày trong tháng 4. Tính cả nước Thái Lan, lượng rác thải nhựa tăng từ 5.000 tấn/ngày lên 6.300 tấn, theo SCMP.
Ngoài ra, các nhà hoạt động vì môi trường ước tính Indonesia tạo ra 6,8 triệu tấn rác thải nhựa mỗi năm, tăng 5%/năm. Khoảng 48% số đó được đốt ngoài trời và gần 10% rò rỉ vào các con sông và biển, theo một báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới. “Tình trạng lượng rác thải nhựa gia tăng chắc chắn gây lo lắng, nếu nó không được quản lý và bị rò rỉ vào môi trường. Thậm chí rác thải y tế dùng một lần, như khẩu trang, cũng đã xuất hiện trên các dòng sông ô nhiễm”, SCMP dẫn lời nhà vận động bảo vệ môi trường thuộc Greenpeace Indonesia cho hay.
"Vì tôi lo sợ mầm bệnh"
Ngoài ra, nhiều người ở Malaysia đặt ý thức bảo vệ môi trường sau quan ngại về sức khỏe trong lúc lệnh phong tỏa phòng ngừa Covid-19 được áp dụng cho cả nước hơn 3 tháng, kể từ ngày 18.3, theo SCMP. Anh Adam Reza (29 tuổi), nằm trong nhóm người đó, cho hay anh ước tính số lượng đồ nhựa anh sử dụng trong thời gian áp dụng lệnh phong tỏa tăng lên 80%. “Tôi không phải là người luôn ý thức về môi trường, nhưng trước khi có lệnh phong tỏa, tôi đã cố gắng ý thức về vấn đề này. Bây giờ tôi không còn quan tâm nhiều. Tại các quán ăn, tôi muốn sử dụng muỗng, nĩa bằng nhựa dùng một lần vì tôi lo sợ các mầm bệnh”, anh Adam chia sẻ.
Hiện không có số liệu cho thấy lượng rác thải nhựa gia tăng ở Malaysia trong lúc lệnh phong tỏa phòng ngừa Covid-19 được áp dụng. Tuy nhiên, Hiệp hội tái chế chất nhựa Malaysia cho rằng tình trạng thiếu các hoạt động tái chế trong thời kỳ phong tỏa sẽ làm gia tăng lượng rác tải nhựa ở nước này, theo SCMP.
Trước tình trạng như trên, chuyên gia về môi trường Alizan Mahadi thuộc Viện nghiên cứu chiến lược và quốc tế ở Malaysia cho rằng những quan ngại trung và dài hạn liên quan rác thải nhựa phải được xem xét ngay cả khi đại dịch Covid-19 hoành hành. Ông Alizan cho rằng các nhà hoạch định chính sách phải tuân thủ các kế hoạch trước khi Covid-19 bùng phát, trong đó có việc mở rộng trách nhiệm của các nhà sản xuất trong nền kinh tế tuần hoàn mà theo đó nhà sản xuất sẽ hướng tới các thiết kế thân thiện môi trường và quản lý tác động của các sản phẩm nhựa.
Ngoài ra, các nhà hoạt động Indonesia đề xuất nhiều giải pháp như áp dụng các quy định nghiêm ngặt hơn. Trong đó, nhà hoạt động Dwi Sawung thuộc Diễn đàn môi trường Indonesia đề xuất lệnh cấm về đồ nhựa sử dụng một lần và những đồ nhựa “hoàn toàn không thể được sử dụng lại”. “Việc phân loại rác tại nguồn cũng là một cách quan trọng để quản lý chất thải nói chung, không chỉ cho chất thải nhựa. Nếu không có việc phân loại rác tại nguồn, công việc xử lý rác gặp rất nhiều khó khăn và gây tốn kém”, ông Dwi nhấn mạnh.
Bình luận (0)