Lo ngại Trung Quốc giúp Mỹ tăng doanh số bán vũ khí, khí tài quân sự?

Văn Khoa
Văn Khoa
22/08/2020 17:05 GMT+7

Chỉ trong tháng 7, chính quyền Mỹ phê chuẩn các hợp đồng bán khí tài quân sự trị giá 32 tỉ USD cho các đối tác và đồng minh, trong đó có nhiều nước và vùng lãnh thổ ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề chính trị - quân sự Clarke Cooper công bố con số nói trên tại trong đoạn video gửi cho báo chí hôm 20.8. Ông Cooper nhấn mạnh Mỹ sẵn sàng hỗ trợ các đồng minh và đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tăng cường khả năng quốc phòng, theo tờ Nikkei Asian Review. Ông còn tuyên bố Mỹ sẽ tiếp tục đảm bảo nước này và các đồng minh cũng như đối tác ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có khả năng phối hợp với nhau.
Trong số đồng minh và đối tác được Mỹ bán vũ khí trong tháng 7 gồm có Nhật Bản mua 105 chiến đấu cơ F-35 giá 23,1 tỉ USD; Indonesia mua 8 máy bay Osprey và trang thiết bị liên quan giá 2 tỉ USD; Đài Loan mua gói nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot giá 620 triệu USD; gói hỗ trợ và nâng cấp máy bay trinh sát Peace Krypton cho Hàn Quốc giá 250 triệu USD; Philippines mua trực thăng tấn công AH-64, AH-1Z và các xuồng tuần tra cao tốc trị giá tổng cộng 2 tỉ USD.

[VIDEO] Nhật Bản có thể mua vũ khí tầm xa

Nhà phân tích quốc phòng Derek Grossman thuộc tổ chức nghiên cứu RAND Corp (Mỹ) nhận định việc bán Mỹ bán vũ khí “sẽ hỗ trợ các nước và vùng lãnh thổ trong chuỗi đảo thứ nhất cải thiện các khả năng phong tỏa/chống tiếp cận (A2/AD) để chống lại hành vi ép buộc bằng quân sự của Trung Quốc”. Chuỗi đảo thứ nhất trải dài từ đảo Kyushu của Nhật Bản tới Đài Loan và Philippines. Lâu nay, Bắc Kinh luôn cho rằng Mỹ dùng “chuỗi đảo thứ nhất” để kiềm chế Trung Quốc, theo tờ South China Morning Post.
Ông Grossman còn cho rằng một khi các nước và vùng lãnh thổ trong chuỗi đảo thứ nhất cải thiện các khả năng A2/AD, Trung Quốc sẽ suy nghĩ lại về việc phô diễn sức mạnh của hải quân, lực lượng hải cảnh và lực lượng dân quân biển vì lo ngại tính toán sai lầm có thể dẫn tới cuộc đụng độ vũ trang kéo Mỹ vào, đặc biệt trong trường hợp cuộc đụng độ liên quan các đồng minh đã ký hiệp ước phòng thủ như Philippines, theo chuyên trang EurAsian Times.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.