Với 'tàu sân bay không thể chìm', Mỹ sẵn sàng đánh chặn Trung Quốc

22/08/2020 07:00 GMT+7

Mỹ đang tăng cường lực lượng oanh tạc cơ đến đảo Diego Garcia - nơi đặt căn cứ có thể xem là “tàu sân bay không thể chìm” - để chốt chặn các tuyến đường của Trung Quốc , bao gồm tuyến hàng hải qua Biển Đông.

Không quá ồn ào, nhưng Mỹ mới đây đã điều động oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit, mang biệt danh “bóng ma” đến căn cứ quân sự trên đảo Diego Garcia ở Ấn Độ Dương. Đây là một phần của quần đảo Chagos được Anh xem là một phần lãnh thổ hải ngoại, nhưng Cộng hòa Mauritius cũng tuyên bố chủ quyền.
Hồi tháng 1, giữa lúc tình hình Mỹ - Iran căng thẳng, Washington cũng đã điều động 6 máy bay ném bom chiến lược B-52 đến căn cứ Diego Garcia.

Bủa vây nhiều hướng

Trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) phân tích rằng căn cứ Diego Garcia có vai trò rất quan trọng và đang được Lầu Năm Góc định hình vị trí chiến lược để đối phó Trung Quốc.
Giải thích cho vị trí chiến lược của Diego Garcia, TS Nagao cho biết: “Từ căn cứ này, oanh tạc cơ có thể mang theo tên lửa tầm xa tấn công nhiều lợi ích của Trung Quốc. Tuyến hàng hải quan trọng của Trung Quốc kéo dài từ khu vực Trung Đông kéo dài qua eo biển Malacca rồi đến Biển Đông. Phần lớn tuyến hàng hải này nằm trong tầm kiểm soát của căn cứ Diego Garcia. Trung Quốc đang đưa ra các thay thế cho cung đường hàng hải này bằng các tuyến đường bộ như Trung Đông - Pakistan - Trung Quốc, Trung Đông - Myanmar - Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay cả các tuyến đường bộ thay thế vừa nêu vẫn nằm trong tầm tấn công của oanh tạc cơ Mỹ xuất phát từ căn cứ Diego Garcia”.
Thực tế, B-2 có tầm bay lên đến khoảng 11.000 km ngay cả khi mang đầy đủ vũ khí. Nên từ căn cứ Diego Garcia, B-2 có thể vươn đến hầu hết mọi địa điểm ở Biển Đông hay cả khu vực Pakistan, Myanmar. Tương tự, oanh tạc cơ B-52 với bán kính chiến đấu khoảng 7.000 km, hay oanh tạc cơ B-1 Lancer với bán kính chiến đấu hơn 5.000 km thì đều đủ sức tấn công các khu vực trên. B-1 Lancer cũng là dòng oanh tạc cơ mà Lầu Năm Góc vẫn thường điều động đến Diego Garcia.
“Bóng ma” B-2 và máy bay chiến đấu B-1 Lancer đều có thể được trang bị tên lửa AGM-158. Loại tên lửa này bao gồm phiên bản tấn công mặt đất (với tầm bắn tối đa hơn 900 km) và loại tên lửa đối hạm tầm xa (có tầm bắn ước tính hơn 500 km). Nên khi triển khai các loại oanh tạc cơ này, Mỹ có thể tấn công cả chiến hạm lẫn các cơ sở trên bộ của Trung Quốc.
“Ngoài ra, khi được hỗ trợ bởi máy bay tiếp nhiên liệu trên không, từ Diego Garcia, oanh tạc cơ Mỹ còn đủ sức tấn công cả Trung Quốc. Vì thế, khi Mỹ tăng cường oanh tạc cơ đến Diego Garcia thì càng tạo sức ép lên Trung Quốc”, TS Nagao nhận xét thêm.
Với 'tàu sân bay không thể chìm', Mỹ sẵn sàng đánh chặn Trung Quốc1

Máy bay ném bom B-2 được triển khai đến căn cứ Diego Garcia

ẢNH: USAF

Tàu sân bay không thể chìm

Bên cạnh đó, vị trí của Diego Garcia nằm ngoài tầm bắn đối với hầu hết tên lửa của Trung Quốc. Bắc Kinh không có nhiều tên lửa đủ sức tấn công đến Diego Garcia.
Khi kết hợp các nhánh khác của Mỹ ở Thái Bình Dương, lực lượng ở Diego Garcia giúp phân tán lực lượng Trung Quốc thành nhiều hướng. Vì thế, nếu Mỹ đồng loạt triển khai chiến hạm, tàu sân bay, máy bay ở nhiều căn cứ tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, thì Trung Quốc phải cùng lúc đối phó với nhiều đối tượng, nhiều mối đe dọa nên sức mạnh của Bắc Kinh sẽ suy yếu. Thực tế này khiến cho viễn cảnh Bắc Kinh có thể vô hiệu hóa căn cứ Diego Garcia càng khó khả thi.
Chính vì thế, căn cứ quân sự này có thể xem là “tàu sân bay không thể chìm” giúp Mỹ tiến hành các hoạt động tấn công, đánh chặn Trung Quốc cả trên biển lẫn trên đất liền, kéo dài từ Biển Đông qua eo biển Malacca đến biển Ả Rập, từ Đông Bắc Á qua đến Nam Á...
Liên quan Diego Garcia, TS Nagao cũng đặt vấn đề: “Có vị thế rất quan trọng, căn cứ Diego Garcia được Anh cho Mỹ sử dụng. Tuy nhiên, đảo Diego Garcia thuộc quần đảo Chagos lại đang có vấn đề về pháp lý khi cả Anh lẫn Cộng hòa Mauritius đều tuyên bố chủ quyền. Vì thế, Trung Quốc có thể tác động vào tranh chấp này để tìm cách “hất cẳng” Mỹ và Anh khỏi Diego Garcia. Đây có thể là một “chiến trường” mà Washington - Bắc Kinh cạnh tranh”.
Philippines phản đối Trung Quốc về Biển Đông
Tờ Philippine Daily Inquirer ngày 21.8 đưa tin Bộ Ngoại giao Philippines đã gửi công hàm phản đối việc tàu hải cảnh Trung Quốc tịch thu trái phép ngư cụ của tàu cá Philippines gần bãi Scarborough ở Biển Đông hồi tháng 5. Bên cạnh đó, phía Philippines cũng phản đối việc Trung Quốc liên tục phát cảnh báo vô tuyến trái phép nhằm cản trở máy bay của Philippines tuần tra tại Biển Đông, theo công hàm được công bố tối 20.8.
Công hàm không nhắc gì đến việc 2 tàu khảo sát Trung Quốc xuất hiện gần bãi Cỏ Rong gần đây. Hôm 10.8, Tư lệnh hải quân Philippines Giovanni Bacordo cho biết 2 tàu khảo sát của Trung Quốc đã khảo sát trái phép tại bãi Cỏ Rong trong ít nhất một tuần. Ông Bacordo nói sẽ báo cáo các lãnh đạo và đề nghị Bộ Ngoại giao gửi công hàm phản đối nhưng đến nay chưa rõ hành động này được thực hiện chưa. 
Bảo Vinh
Washington xúc tiến bán vũ khí cho đối tác Indo-Pacific
Tờ Nikkei Asian Review ngày 21.8 dẫn lời Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách vấn đề chính trị - quân sự Clarke Cooper cho biết nước này sẵn sàng hỗ trợ các đối tác Indo-Pacific gia tăng năng lực phòng thủ thông qua các hợp đồng vũ khí.
Theo ông Cooper, trong tháng 7 vừa qua, Mỹ phê chuẩn các hợp đồng trị giá 32 tỉ USD cho đồng minh và đối tác, doanh số hằng tháng cao thứ hai từ trước đến nay. Trong số đó có nhiều đối tác từ Indo-Pacific như: Nhật Bản mua 105 chiến đấu cơ F-35 giá 23,1 tỉ USD; Indonesia mua 8 máy bay Osprey và trang thiết bị liên quan giá 2 tỉ USD; Đài Loan mua gói nâng cấp hệ thống tên lửa phòng không Patriot giá 620 triệu USD; gói hỗ trợ và nâng cấp máy bay trinh sát Peace Krypton cho Hàn Quốc giá 250 triệu USD; Philippines mua trực thăng tấn công AH-64, AH-1Z và các xuồng tuần tra cao tốc trị giá tổng cộng 2 tỉ USD.
Vi Trân
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.