Mạng xã hội và cuộc ly khai bất thành của Catalonia

20/06/2019 06:00 GMT+7

Tin giả tràn lan trên mạng xã hội hoặc chiêu trò lập lờ lấy ảnh của sự kiện này minh họa cho sự kiện khác đã góp phần dẫn đến bất ổn chính trị tại vùng Catalonia (Tây Ban Nha).

Ngày 1.10.2017, vùng Catalonia ở Tây Ban Nha tổ chức trưng cầu ý dân về độc lập. Nhiều người dân đã xuống đường đòi ly khai khỏi chính quyền trung ương Madrid. Đụng độ giữa người biểu tình với cảnh sát chống bạo động đã xảy ra, làm ít nhất 844 người bị thương.
Theo truyền thông địa phương, xung đột giữa hai bên là có thật song nhiều hình ảnh, video được lan truyền trên mạng xã hội là giả.
Tờ El Pais cho hay một số ảnh và video được đăng rộng rãi trên các mạng xã hội là ảnh cũ, không được chụp trong ngày 1.10, nhằm kích động chống chính phủ Tây Ban Nha.
Hình ảnh cũ, tác hại mới
Vào ngày 1.10, Lagarder Danciu, một nhà hoạt động ở Tây Ban Nha với 22.800 người theo dõi trên Twitter, đã chia sẻ hình ảnh được hàng ngàn người đăng tải lại nhằm cáo buộc cảnh sát tấn công cử tri Catalonia.
Người dùng Yanina Hernández cũng chia sẻ hình ảnh tương tự với hơn 9.000 người theo dõi, 6.700 người trong số họ đã đăng lại. Thật ra đây là ảnh được chụp vào ngày 12.7.2012, mô tả cảnh cảnh sát trấn áp cuộc bạo động theo sau cuộc biểu tình của công nhân ngành mỏ.
Chụp màn hình El Pais
Hình bé trai bị thương năm 2012
Hình ảnh một đứa trẻ với khuôn mặt dính máu này thực ra là có từ ngày 14.11.2012, thời điểm, cảnh sát Catalonia được huy động đối phó bạo động bùng phát khi người biểu tình xuống đường phản đối chính sách thắt lưng buộc bụng ở thành phố Tarragona.
Sau khi chia sẻ bức ảnh trên Twitter, người dùng Marta Guira đã nhận được hơn 1.000 bình luận trước khi xóa bài đăng. Tuy nhiên, hình ảnh này đã nhiều người dùng khác chia sẻ trước đó.
Chụp màn hình El Pais
Cảnh sát bị tố tấn công người khuyết tật
Một bức ảnh được chia sẻ nhiều trên Facebook, Twitter mô tả cảnh sát tay giơ gậy, tay nắm xe lăn của một người đàn ông tật nguyền với lời bình: “Ngày Catalonia muốn bỏ phiếu vì độc lập. Đây là một trong những hình ảnh tôi hy vọng sẽ lan truyền khắp thế giới”. Thế nhưng, ảnh này đã chụp hồi tháng 5.2011, liên quan đến một cuộc biểu tình kêu gọi cải cách ở Madrid.
Chụp màn hình El Pais
 
Trong khi đó, nhằm kêu gọi sự ủng hộ của cử tri đối với phong trào ly khai, ông Raül Romeva i Rueda, người đứng đầu bộ phận đối ngoại của chính quyền vùng Catalonia, đã đăng lên Twitter của mình những bức ảnh một phụ nữ mặt đầy máu, với lời bình “chính phủ Tây Ban Nha đàn áp” người dân nhằm đánh vào tâm lý cử tri.
Nhiều hình ảnh cũ không liên quan đến sự kiện năm 2017, cũng như việc giới chức sở tại đăng những hình ảnh chỉ tập trung vào cảnh lực lượng công lực trấn áp người biểu tình thật sự gây bất bình trong lòng cử tri Catalonia, dẫn đến việc phần lớn người dân nơi đây bỏ phiếu quyết định tuyên bố độc lập hồi tháng 10.2017.
 
Ngày 1.10.2017, chính quyền tự trị Catalonia tổ chức cuộc trưng cầu dân ý đòi độc lập, với khoảng 90% số người đi bỏ phiếu đồng thuận ly khai. Vào ngày 27.10, chính quyền Catalonia đơn phương tuyên bố độc lập. Tuy nhiên, hành động này bị Madrid coi là trái phép và áp đặt quyền quản lý trực tiếp lên Catalonia. Một số lãnh đạo đòi độc lập bị bắt và chính quyền trung ương tổ chức cuộc bầu cử sớm cho nghị viện Catalonia vào tháng 12.2017.
Vấn đề Catalonia tuyên bố độc lập không những gây chia rẽ với chính phủ trung ương mà ngay cả trong nội bộ vùng tự trị này. Theo AFP, hàng trăm ngàn người Catalonia hồi cuối tháng 10.2017 đã tập trung tại thủ phủ Barcelona để biểu tình ủng hộ một nước Tây Ban Nha thống nhất và phản đối nghị viện địa phương thông qua tuyên bố độc lập. Nhiều người quấn cờ Tây Ban Nha lên người, mang theo biểu ngữ “Catalonia là tất cả chúng ta”, đồng thời hô khẩu hiệu “Tây Ban Nha muôn năm”. Nhiều người chỉ trích Thủ tướng khi đó Mariano Rajoy quá mềm mỏng đối với các lãnh đạo chủ trương ly khai ở Catalonia.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.