Báo The Wall Street Journal hôm 12.7 dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ Nhà Trắng vào giữa tuần qua đã họp về vấn đề Hồng Kông. Các cuộc họp được dự kiến tiếp tục trong tuần này, trước khi Mỹ đưa ra các tuyên bố cấm vận hoặc những biện pháp khác, theo lời một quan chức.
Quyết định khó khăn
Bà Wendy Cutler, Phó chủ tịch Viện Chính sách xã hội châu Á tại Washington D.C (Mỹ), nhận định rằng Nhà Trắng không có nhiều phương án để trả đũa Trung Quốc về Hồng Kông. “Không ít biện pháp đang được thảo luận, nhưng không cái nào phù hợp cho tình hình hiện nay”, theo bà Cutler, cựu quan chức từng đại diện Mỹ đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương dưới thời Tổng thống Barack Obama.
Quan chức Mỹ muốn cứng rắn với TikTok và WeChatTrả lời phỏng vấn Đài Fox News, Cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro hôm qua cho biết ông kỳ vọng Tổng thống Trump sẽ có hành động cứng rắn chống lại ứng dụng TikTok và WeChat của Trung Quốc.
Ông Navarro cáo buộc các ứng dụng này âm thầm chuyển dữ liệu người dùng cho chính quyền Trung Quốc và có thể được sử dụng để đánh cắp tài sản trí tuệ. Trước đó, Tổng thống Trump và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington đang cân nhắc cấm TikTok vì ứng dụng này cung cấp thông tin người dùng cho chính quyền Trung Quốc.
Cùng lúc, Ủy ban Thương mại liên bang và Bộ Tư pháp Mỹ đang xem xét cáo buộc cho rằng ứng dụng TikTok của Công ty ByteDance (Trung Quốc) không tuân thủ thỏa thuận hồi tháng 2.2019 về bảo vệ quyền riêng tư cho trẻ em. Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer ước tính TikTok có hơn 52 triệu người dùng ở Mỹ, tăng khoảng 12 triệu người dùng kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát cuối năm ngoái. TikTok thu hút nhiều người trẻ dùng smartphone.
Phúc Duy
|
Trước đó, Tổng thống Trump đã liệt kê một loạt phương án có thể, bao gồm chấm dứt hiệp định dẫn độ với Hồng Kông và hủy bỏ quy chế đặc biệt về thương mại và đi lại đối với đặc khu hành chính của Trung Quốc. Tuy nhiên, cho đến nay, Nhà Trắng chỉ mới áp dụng lệnh không cấp thị thực cho công dân Trung Quốc nhưng không nêu con số cụ thể, ngưng xuất khẩu quân sự và giới hạn quyền mua các sản phẩm công nghệ cao của Mỹ đối với Hồng Kông, theo AFP.
Một số quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ đồng thời thảo luận về khả năng phá bỏ cơ chế tỷ giá hối đoái được ấn định giữa HKD và USD, từ đó làm suy yếu vị thế trung tâm tài chính thế giới của Hồng Kông. Thế nhưng, tạm thời phương án này sẽ không được thực hiện, ít nhất là trong tương lai gần, theo Bloomberg. Bên cạnh đó, nhiều quan chức kinh tế Mỹ bác bỏ các biện pháp cấm vận tài chính trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì đại dịch Covid-19.
Cấm vận “hẹp”
Trước tình thế tiến thoái lưỡng nan, các quan chức và cựu quan chức Mỹ cho rằng phương án khả dĩ hơn là chiến dịch cấm vận “hẹp”. Lưỡng viện quốc hội Mỹ trong tháng 7 đã nhất trí thông qua dự luật cho phép Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính nước này áp đặt lệnh cấm vận đối với các cá nhân hoặc thể chế tham gia vào quá trình thi hành luật an ninh quốc gia về Hồng Kông. Những ngân hàng xử lý các giao dịch đáng kể của những cá nhân và thể chế kể trên cũng có thể lọt vào tầm ngắm của Mỹ.
Theo The Wall Street Journal, Tổng thống Trump dự kiến sẽ sớm ký thông qua dự luật trên, sau khi nhận được sự ủng hộ đông đảo của lưỡng đảng tại quốc hội.
“Mỹ có lẽ sẽ áp đặt một số lệnh cấm vận nhằm vào các quan chức Trung Quốc liên quan đến vấn đề Hồng Kông, nhưng không thuộc cấp trung ương. Tuy nhiên, chính quyền Tổng thống Trump sẽ tránh những biện pháp làm lung lay sự ổn định tài chính hoặc thay đổi chính sách về tỷ giá hối đoái ưu đãi lâu nay cho đặc khu hành chính Trung Quốc”, theo nhận định của chuyên gia Michael Hirson của Tổ chức Âu Á, trụ sở tại TP.New York (Mỹ).
Bình luận (0)