Mối đe dọa chiến lược
Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 26.2, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper nói: “Chính phủ Trung Quốc lạm dụng sức mạnh ngoại giao, kinh tế và quân sự để cố thay đổi cục diện quyền lực, định hình lại thế giới theo hướng có lợi cho Bắc Kinh”.
Theo ông Esper, Trung Quốc đã và đang đẩy mạnh hiện đại hóa quân sự trong các lĩnh vực như không gian vũ trụ, không gian mạng, chiến tranh điện tử, chiến tranh dưới biển, chiến đấu cơ, máy bay ném bom, tên lửa tầm xa, hệ thống vũ khí chống tiếp cận và chống thâm nhập khu vực (A2/AD), theo tờ The Washington Times. “Đây là một phần trong kế hoạch của Trung Quốc nhằm trở thành cường quốc quân sự toàn cầu vào năm 2049. Điều đáng lo ngại nhất là Trung Quốc đang theo đuổi các mục tiêu này bằng mọi giá, bao gồm cưỡng bức chuyển giao công nghệ, trộm cắp tài sản trí tuệ, do thám mạng và thâu tóm thương mại”, ông Esper nói.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đánh giá một khi sở hữu và phát triển được các công nghệ vũ khí, Trung Quốc sẽ đe dọa hoặc cưỡng bức những quốc gia nhỏ hơn.
Cũng tại phiên điều trần, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, tướng Mark A.Milley nhận định Trung Quốc trở thành mối đe dọa chiến lược đối với trật tự thế giới và đang tìm kiếm quyền bá chủ trong khu vực và mở rộng ảnh hưởng trên toàn cầu.
Quân sự hóa Biển Đông
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động quân sự hóa các bãi đá mà nước này chiếm đóng phi pháp tại quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam ở Biển Đông, đe dọa tự do hàng hải trong khu vực.
Tướng Milley cảnh báo Trung Quốc tìm cách làm suy yếu khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đồng thời nhiều lần phớt lờ luật pháp quốc tế. “Trung Quốc tuyên bố chủ quyền, chiếm đóng các khu vực tranh chấp ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua chiến dịch cưỡng bức cấp thấp và chiến thuật “vùng xám” dưới ngưỡng xung đột vũ trang”, theo ông Milley.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ nêu ví dụ cụ thể là Trung Quốc xây dựng cơ sở quân sự lồng ghép dân sự trên bãi đá mà nước này chiếm đóng phi pháp, bồi đắp thành đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Bên cạnh đó, ông Milley cũng lưu ý nguy cơ từ việc Trung Quốc sử dụng lực lượng dân quân biển phục vụ các yêu sách của mình.
Báo cáo của Cơ quan Tình báo quốc phòng Mỹ chỉ ra rằng Trung Quốc đã triển khai tên lửa phòng không và chống hạm tiên tiến đến các đảo nhân tạo mà Bắc Kinh bồi đắp phi pháp ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, dù Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi năm 2015 cam kết sẽ không quân sự hóa Biển Đông, theo Reuters.
Với những đánh giá đó, Bộ Quốc phòng Mỹ tiếp tục xem Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu trong chính sách của mình. Các thông tin trên được đưa ra trong phiên điều trần nhằm thảo luận về việc Lầu Năm Góc yêu cầu ngân sách quốc phòng cho tài khóa 2021 là 705,4 tỉ USD.
Bình luận (0)