Theo Reuters ngày 1.7, Ủy ban Truyền thông liên bang Mỹ (FCC) chính thức xem các hãng công nghệ Huawei và ZTE của Trung Quốc là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia Mỹ.
Điều này có nghĩa là các công ty trong lĩnh vực viễn thông ở Mỹ sẽ không được sử dụng Quỹ Dịch vụ phổ quát (USF) 8,3 tỉ USD của chính phủ để mua thiết bị từ 2 công ty trên. USF thành lập vào năm 1997, với khoản chi thường niên từ 5-8 tỉ USD, nhằm thúc đẩy khả năng tiếp cận toàn dân đối với dịch vụ viễn thông.
Chủ tịch FCC Ajit Pai tuyên bố rằng Mỹ sẽ không cho phép Trung Quốc lợi dụng tình trạng dễ bị tấn công mạng nhằm phá hoại hạ tầng truyền thông trọng yếu của Mỹ.
Bên cạnh đó, quan chức FCC Geoffrey Starks cho hay “các thiết bị không đáng tin cậy” vẫn tồn tại trong các mạng ở Mỹ và Quốc hội phải thông qua khoản chi để thay thế.
Trước đó vào tháng 11.2019, FCC bỏ phiếu thống nhất sẽ đưa ra tuyên bố trên, đồng thời đề xuất quy định buộc các nhà mạng ở nông thôn tháo dỡ và thay thế các thiết bị của Huawei và ZTE.
Hồi tháng 5.2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump ký sắc lệnh tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia và cấm các công ty ở nước này sử dụng thiết bị viễn thông của những công ty có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia.
Trong diễn biến liên quan, theo tờ Times of India, chính phủ Ấn Độ đang tiến hành tham vấn cấp cao về việc sử dụng công nghệ 5G, với khả năng sẽ cấm sử dụng thiết bị từ các công ty Trung Quốc như Huawei. Các quan chức Ấn Độ cũng thảo luận về việc chặn 59 ứng dụng (app) của Trung Quốc bị cáo buộc theo dõi hàng triệu người dùng ở nước này và gửi dữ liệu về Trung Quốc.
Bình luận (0)