Mỹ đẩy mạnh chiến lược Indo-Pacific

Khánh An
Khánh An
29/07/2021 07:18 GMT+7

Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đẩy mạnh chiến lược đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương thông qua liên tiếp các chuyến thăm cấp cao.

Hãng Bloomberg hôm qua đưa tin Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bắt đầu chuyến công du đầu tiên đến Ấn Độ kể từ khi nhậm chức, nhằm đẩy mạnh hợp tác song phương trong bối cảnh Mỹ tăng cường chính sách tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Ngoại trưởng Mỹ đã có cuộc gặp với Thủ tướng Narendra Modi, Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar và Cố vấn an ninh quốc gia Ajit Doval tại New Delhi.

Tâm điểm Trung Quốc

Theo tờ Hindustan Times, ông Blinken và ông Doval đã có cuộc gặp kéo dài hơn 1 giờ xoay quanh các vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu. Theo đó, Ngoại trưởng Blinken đã chia sẻ quan điểm về sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như Indo-Pacific và 2 bên thảo luận về tầm quan trọng của các vấn đề chiến lược như an ninh, quốc phòng, kinh tế và công nghệ. Bên cạnh đó, 2 bên thảo luận về việc sớm tổ chức hội nghị thượng đỉnh của “bộ tứ kim cương” vào tháng 10 tại Mỹ. Hiện 3 thành viên Ấn Độ, Mỹ và Úc sẵn sàng cho hội nghị, trong khi thành viên còn lại là Nhật Bản chưa xác nhận ngày do phải tổ chức tổng tuyển cử.
Giới phân tích cho rằng chuyến thăm của ông Blinken thể hiện nỗ lực của Washington nhằm khẳng định cam kết của chính quyền Tổng thống Biden đối với khu vực Indo-Pacific, đồng thời là cơ hội để Ấn Độ nhận được ủng hộ nhiều hơn trong căng thẳng biên giới với Trung Quốc. Theo chuyên gia Brahma Chellaney tại Trung tâm nghiên cứu chính sách Ấn Độ, việc Mỹ ủng hộ Ấn Độ về vấn đề này trước đó chưa được chính quyền của ông Biden thể hiện rõ kể từ khi nhậm chức. Phát biểu tại New Delhi hôm qua, Ngoại trưởng Blinken đã khẳng định rằng mối quan hệ giữa Mỹ với Ấn Độ là “một trong những mối quan hệ quan trọng nhất thế giới”.

Tín hiệu qua 3 chuyến thăm

Chuyến thăm Ấn Độ của Ngoại trưởng Blinken là chuỗi nối tiếp các chuyến công du của các quan chức cấp cao Mỹ đến khu vực Indo-Pacific, thể hiện quyết tâm đẩy mạnh chiến lược của Tổng thống Biden đối với khu vực này. Trước đó vào tối 27.7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có bài phát biểu tại một sự kiện do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS, Anh) tổ chức ở Singapore trong chuyến công du đầu tiên đến Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam và Philippines. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ: yêu sách Biển Đông của Trung Quốc không có cơ sở

Tại Singapore, Bộ trưởng Austin nêu rõ quan điểm của phía Mỹ rằng yêu sách của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông không có cơ sở theo luật pháp quốc tế vì chà đạp lên chủ quyền của các nước trong khu vực, theo Nikkei Asia.
Bên cạnh đó, ông mang đến thông điệp của Washington khi ủng hộ các nước ven biển trong khu vực duy trì các quyền của họ theo luật pháp quốc tế, đồng thời tuyên bố rằng Mỹ không tìm kiếm đối đầu với Trung Quốc nhưng sẽ không chùn bước khi lợi ích của Mỹ bị đe dọa. Giới phân tích cho rằng chuyến công du của ông Blinken nổi bật hơn về chiến lược phối hợp của “bộ tứ kim cương”, trong khi chuyến thăm của ông Austin tập trung nhiều vào việc đối phó Trung Quốc ở Biển Đông và trong khu vực.
Loạt động thái của Mỹ còn thể hiện qua chuyến công du châu Á của Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman đến Nhật Bản, Hàn Quốc, Mông Cổ, Trung Quốc từ ngày 19.7. Dù nổi bật với nỗ lực kết nối các bên nhằm giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, chuyến công du của bà Sherman còn được cho là nhằm duy trì đối thoại với Trung Quốc trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh mâu thuẫn trong hàng loạt vấn đề, từ thương mại, Hồng Kông, Đài Loan, Biển Đông, Tân Cương, nguồn gốc Covid-19... cho đến những lĩnh vực mới phát sinh là tấn công mạng.
Mỹ gia tăng lo ngại về Trung Quốc
Tờ South China Morning Post hôm qua dẫn lời giới chức Mỹ cho rằng cần gia tăng các chiến dịch ở Bắc Cực nhằm răn đe Trung Quốc, đồng thời còn làm căn cứ cho các chiến dịch của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tại hội thảo do Trung tâm Wilson (Mỹ) tổ chức, nhiều quan chức Mỹ kêu gọi tăng cường mối quan hệ quốc phòng các quốc gia Bắc Cực khác, đồng thời nêu rõ Trung Quốc không phải là một quốc gia Bắc Cực dù có tham vọng đối với khu vực này.

Trung Quốc xây thêm nhiều hầm phóng tên lửa đạn đạo, Mỹ lo ngại

Trong một diễn biến khác, Reuters hôm qua đưa tin giới chức quốc phòng và nghị sĩ Mỹ bày tỏ lo ngại sau khi Liên đoàn Các nhà khoa học Mỹ công bố loạt ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đang xây thêm 110 hầm phóng tên lửa tại Khu tự trị Tân Cương. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng bày tỏ lo ngại và kêu gọi Trung Quốc giảm nguy cơ chạy đua vũ trang.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.