Tờ South China Morning Post ngày 28.7 dẫn lời giới lãnh đạo quân sự Mỹ cho rằng cần gia tăng các chiến dịch ở Bắc Cực để răn đe mưu đồ bành trướng của Trung Quốc tại đây, cũng như làm căn cứ cho các chiến dịch ở Indo-Pacific.
Các chuyên gia trong đó có quan chức Không quân Kelli Seybolt và Trung tướng Clinton Hinote thảo luận về việc tăng cường mối quan hệ quốc phòng với 6 trong số 7 quốc gia vùng Bắc Cực khác, nhằm đạt lợi thế chiến lược.
Theo bà Seybolt, Mỹ sẽ cởi mở với Nga trong các cuộc thảo luận giữa các nước Bắc Cực, do các hoạt động quân sự của Nga tại đó có thể hiểu được vì nước này có lợi ích từ dầu khi trong khu vực. Trong khi đó, việc Trung Quốc vào năm 2018 tuyên bố là một quốc gia “cận Bắc Cực” là “kiểu tuyên bố không thể tin được”.
“Chắc chắn Trung Quốc sẽ có động thái hợp pháp hóa vai trò trong khu vực khi tiếp tục với sáng kiến Con đường Tơ lụa Bắc Cực. Đây là nơi chúng ta cần phối hợp với mọi quốc gia Bắc Cực khác nhằm bảo vệ lợi ích chung”, bà nhận định.
Theo giám đốc Trung tâm Wilson Mark Green, Trung Quốc “đôi khi quên rằng họ thực sự không phải là một quốc gia Bắc Cực nên làm mọi thứ có thể nhằm thiết lập ảnh hưởng về điều hành và phát triển kinh tế”.
Bên cạnh việc thúc đẩy hợp tác với lực lượng Bắc Cực của Canada, Phần Lan, Na Uy và các đồng minh khác của Mỹ nhằm đối phó các hành vi của Trung Quốc, các chuyên gia cho rằng việc lập căn cứ quân sự ở Alaska còn trọng yếu đối với các chiến dịch ở Indo-Pacific.
“Các bạn cũng có thể nghĩ về sức mạnh quân sự đóng ở phía bắc, đặc biệt là Alaska, làm lực lượng tiền phương tại 2 khu vực chính, Indo-Pacific và châu Âu, nhằm có thể điều động lực lượng từ Alaska đến cả 2 khu vực”, theo Trung tướng Hinote.
Quan chức này cho rằng Không quân Mỹ cần tăng thêm so với khoản chi 6 tỉ USD/năm cho các chiến dịch ở Bắc Cực, nhằm hiện đại hóa các dự án như Hệ thống Cảnh báo phương bắc hợp tác với Canada.
Bình luận (0)