Myanmar chìm sâu trong bất ổn

16/03/2021 06:29 GMT+7

Hàng chục người biểu tình đã bị bắn chết sau khi nhiều nhà máy có vốn đầu tư của Trung Quốc ở Myanmar bị đốt phá.

Reuters dẫn lời các nhân chứng cho biết lực lượng an ninh Myanmar đã nổ súng vào đám đông biểu tình ủng hộ dân chủ tại các thị trấn Myingyan và Aunglan ngày 15.3, làm chết 6 người. Động thái này xảy ra một ngày sau khi hơn 50 người biểu tình bị bắn chết, chủ yếu là ở TP.Yangon, khiến 14.3 trở thành ngày chết chóc nhất kể từ cuộc chính biến hôm 1.2.
Trong ngày 14.3, lực lượng an ninh nổ súng vào người biểu tình ở vùng ngoại ô Hlaingthaya của TP.Yangon, làm ít nhất 37 người thiệt mạng theo sau các cuộc tấn công đốt phá một số nhà máy của doanh nghiệp Trung Quốc, theo Reuters dẫn lời một bác sĩ tại Hlaingthaya. 

Ít nhất 138 người biểu tình thiệt mạng ở Myanmar, Liên Hiệp Quốc nói gì?

 
Đài truyền hình Myawadday của quân đội cũng đưa tin phía an ninh đã hành động sau khi 4 nhà máy dệt may và 1 nhà máy phân bón bị phóng hỏa, và khoảng 2.000 người đã chặn đường các xe cứu hỏa đang đến hiện trường.
Ít nhất 16 người thiệt mạng ở những nơi khác tại Myanmar trong ngày 14.3, theo Reuters. Tính đến nay, số người tử vong trong các cuộc biểu tình tại Myanmar từ ngày 1.2 đã tăng lên khoảng 140 người. Hơn 2.150 người đang bị giam giữ.
Truyền thông đưa tin thiết quân luật đã được áp dụng ở Hlaingthaya và một số quận khác của TP.Yangon, cùng một số khu vực của TP.Mandalay.
Trước diễn biến trên, Đại sứ quán Trung Quốc ngày 15.3 kêu gọi chính quyền quân sự Myanmar có biện pháp chấm dứt bạo lực và bảo vệ tài sản cũng như công dân Trung Quốc. Tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin 32 nhà máy do Trung Quốc đầu tư đã bị “phá hoại trong các cuộc tấn công” hôm 14.3, gây tổng thiệt hại ước tính 240 triệu nhân dân tệ (37 triệu USD) và 2 nhân viên Trung Quốc bị thương.

Trung Quốc yêu cầu Myanmar bảo vệ sau khi nhiều doanh nghiệp bị đốt phá

Chính quyền Bắc Kinh được xem là có quan điểm ủng hộ chính quyền quân sự và liên tục chặn nghị quyết lên án tình hình Myanmar của Hội đồng Bảo an LHQ.
Sau khi các nhà máy Trung Quốc bị đốt phá, Văn phòng Văn hóa và Kinh tế Đài Bắc hôm 15.3 khuyến cáo doanh nghiệp Đài Loan tại Myanmar treo cờ Đài Loan cùng biển báo để tránh bị nhầm lẫn với Trung Quốc đại lục, theo Reuters. Trong diễn biến liên quan, Reuters dẫn lời một luật sư của bà Aung San Suu Kyi cho hay phiên tòa xét xử bà theo hình thức trực tuyến đã bị hoãn tới ngày 24.3, thay vì ngày 15.3 theo kế hoạch do mạng internet bị tê liệt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.