Nga, Trung Quốc có vượt mặt Mỹ về vũ khí bội siêu thanh?
01/05/2018 06:30 GMT+7
Mỹ, Nga và Trung Quốc đang ganh đua nhau phát triển vũ khí bội siêu thanh và giới chức Mỹ lo ngại Washington có thể bị 2 đối thủ vượt mặt.
Tự động phát
Vũ khí bội siêu thanh có khả năng đạt vận tốc Mach 5, tức 6.125 km/giờ và có tính cơ động cao, được coi là một trong những loại vũ khí có thể thay đổi đặc điểm chiến tranh trong tương lai.
Trong phiên điều trần tại Ủy ban Quân vụ thượng viện Mỹ hôm 26.4, Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis tuyên bố vũ khí bội siêu thanh là ưu tiên của quân đội trong việc nghiên cứu và phát triển, theo Business Insider ngày 30.4. Vũ khí bội siêu thanh được cho có thể thay đổi hướng khi đang bay, cộng với tốc độ rất nhanh giúp nó khó bị đánh chặn.
Sức mạnh của Nga và Trung Quốc
Hồi tháng 3, Tổng thống Nga Vladimir Putin công bố nước Nga đạt nhiều thành công trong việc phát triển vũ khí bội siêu thanh. Ông giới thiệu nhiều loại vũ khí mới trong bài phát biểu thông điệp liên bang.
Trong số này gồm tên lửa hành trình bội siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal (Dao găm). Tên lửa có tốc độ cực đại Mach 10 (12.250 km/giờ) với tầm bắn xấp xỉ 2.000 km. Tên lửa có thể phóng từ máy bay tiêm kích MiG-31 (tầm bay gần 3.000 km) do đó có thể gọi đây là cặp vũ khí có khả năng tấn công liên lục địa.
|
Loại thứ hai là thiết bị bay bội siêu thanh Avangard, có thể được phóng từ tên lửa đạn đạo UR-100 UTTKh hoặc tên lửa đạn đạo liên lục địa RS-28. Đoạn video mô phỏng giới thiệu cho thấy loại vũ khí này có thể bay né tránh tầm bắn của các hệ thống phòng không đối phương.
Trong khi đó, Trung Quốc đã phát triển vũ khí có tên là DF-ZF với tầm bắn khoảng 2.000 km, vận tốc từ Mach 5-Mach 10. DF-ZF đã được thử nghiệm ít nhất 7 lần và sẽ sớm được triển khai vào khoảng năm 2020 dù giới chuyên gia nhận định Trung Quốc còn lâu mới chế tạo được tên lửa mang theo loại vũ khí bội siêu thanh này.
Chỉ huy Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ John Hyten gần đây thừa nhận rằng Mỹ không có loại vũ khí nào giúp phòng chống những vũ khí bội siêu thanh. Ông cho biết khả năng phòng thủ duy nhất mà Mỹ có là đòn đáp trả bằng hạt nhân trong trường hợp bị tấn công trước.
Trong khi đó, Trợ lý bộ trưởng quốc phòng phụ trách nghiên cứu và kỹ thuật Mỹ Mike Griffin nói Trung Quốc có thể sử dụng vũ khí bội siêu thanh để tấn công mục tiêu cách xa hàng ngàn ki lô mét, khiến đội tàu chiến hoặc các tiền đồn của Mỹ gặp nguy hiểm, trong khi Mỹ không có khả năng phòng thủ hoặc tấn công tương đương.
|
Tuy nhiên, chuyên gia James Acton, giám đốc chương trình chính sách hạt nhân thuộc Quỹ Carnegie về hòa bình quốc tế (Mỹ) nhận định Mỹ vẫn dẫn đầu về công nghệ này và đã nghiên cứu từ lâu và hiện phát triển ít nhất 3 dự án.
Ông cho biết không quân mới đây ký hợp đồng 1 tỉ USD với Lockheed Martin để phát triển một loại tên lửa hành trình bội siêu thanh. Hồi năm 2010, Mỹ cũng trở thành một trong những nước đầu tiên thử tên lửa hành trình bội siêu thanh X-51 Waverider do Boeing sản xuất với hình dạng giống máy bay.
Bình luận (0)