Ngoại trưởng Philippines cảnh báo về ‘tối hậu thư’ của Tổng thống Duterte đối với Mỹ

Văn Khoa
Văn Khoa
07/02/2020 09:17 GMT+7

Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr cảnh báo rằng việc Tổng thống Rodrigo Duterte dọa hủy Thỏa thuận Lực lượng thăm viếng (VFA) với Mỹ sẽ gây tổn hại an ninh của Philippines và làm gia tăng tình trạng hung hăng ở Biển Đông.

Hôm 23.1, Tổng thống Duterte cảnh báo Mỹ có một tháng để khôi phục thị thực cho thượng nghị sĩ Philippines Bato dela Rosa, nếu không ông sẽ hủy bỏ VFA. Ông Dela Rosa nói rằng Đại sứ Mỹ tại Philippines không giải thích tại sao thị thực của ông bị hủy, nhưng ông tin rằng nguyên nhân rất có thể vì những cáo buộc về tình trạng giết chết các nghi phạm ma túy không thông qua xét xử trong thời gian ông làm cảnh sát trưởng Philippines từ tháng 7.2016 đến tháng 4.2018.
Phát biểu tại phiên điều trần ở Thượng viện hôm 6.2, ông Locsin nhấn mạnh: “Tuy Philippines có quyền hủy bỏ VFA bất kỳ lúc nào, việc duy trì thỏa thuận được cho là mang lại lợi ích cho Philippines hơn so với bất kỳ lợi ích được dự đoán nếu thỏa thuận bị hủy”.
Được ký vào năm 1998, VFA cho phép hàng ngàn binh sĩ Mỹ đóng trú luân phiên ở Philippines để tham gia các cuộc tập trận quân sự và chiến dịch hỗ trợ nhân đạo.

[VIDEO] 9 phát ngôn gây sốc của tổng thống Philippines

Ngoại trưởng Locsin nói rõ rằng việc hủy VFA sẽ gây ảnh hưởng cho hơn 300 hoạt động huấn luyện chung và những hoạt động khác với các lực lượng Mỹ “mà quân đội và các cơ quan công lực Philippines cần nâng cao các khả năng của họ trong việc đối phó những mối đe dọa đối với an ninh quốc gia”, theo tờ AP dẫn lời ông Locsin.
Ông Locsin cho biết thêm Mỹ đã cung cấp hơn 500 triệu USD trong việc hỗ trợ an ninh Philippines trong giai đoạn 2016-2019 và cảnh báo có thể sẽ có tác động về kinh tế nếu Philippines  giảm quy mô liên minh quân sự với Mỹ.
Cũng theo ông Locsin, sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Philippines là lá chắn răn đe đối với những hành động hung hăng ở Biển Đông, giữa lúc có quan ngại Trung Quốc không dừng hoạt động nhằm củng cố tuyên bố chủ quyền phi lý ở vùng biển này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.