Ngôi sao kỳ dị, nhỏ như mặt trăng nhưng nặng hơn mặt trời

02/07/2021 19:32 GMT+7

Báo cáo trên chuyên san Nature mô tả một ngôi sao vô cùng đặc biệt, với khối lượng lớn hơn mặt trời nhưng kích thước nhỏ như mặt trăng của chúng ta. Nó được sinh ra từ sự hợp nhất của hai sao lùn trắng khổng lồ.

Vào cuối đời sống, đa số sao trở thành sao lùn trắng. Trong khoảng 5 tỉ năm tới, mặt trời của chúng ta sẽ trở thành sao khổng lồ đỏ trước khi chịu chung số phận.
Ngôi sao được đề cập trong báo cáo, do tác giả Ilaria Caiazzo của Viện Công nghệ California (Caltech-Mỹ) thực hiện, có tên ZTF J1901+1458. Nếu so với không gian bao la của vũ trụ, nó nằm khá gần Trái đất, chỉ cách 130 triệu năm ánh sáng.
ZTF J1901+1458 được tạo thành từ sự kết hợp của hai sao lùn trắng, có khối lượng gấp 1,35 lần so với mặt trời, nhưng đường kính chỉ khoảng 4.300 km.
Với những số liệu trên, các nhà khoa học đã tìm được một sao lùn trắng nhỏ nhất thế giới, nhưng từ trường nó tạo ra gấp gần 1 tỉ lần so với mặt trời. Ngôi sao này xoay cực nhanh, chỉ mất khoảng 7 phút để hoàn tất vòng tự xoay. Trong khi đó, mặt trời cần 27 ngày để hoàn thành vòng xoay quanh trục.
Các nhà nghiên cứu cho rằng ZTF J1901+1458 có khối lượng đủ lớn để tiến hóa thành sao neutron, vốn hình thành khi một ngôi sao lớn hơn mặt trời nổ tung trong một vụ nổ siêu tân tinh. Nếu giả thuyết này được chứng minh, điều đó có nghĩa là nhiều sao neutron của vũ trụ có lẽ cũng tượng hình như thế.
Ngôi sao ở gần Trái đất và mới 100 triệu tuổi, đồng nghĩa hiện tượng thiên văn tương tự có lẽ xảy ra phổ biến trong phạm vi Dải Ngân hà của chúng ta.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.