Đám đông tuần hành qua các chốt kiểm soát thường hạn chế người ra vào Vùng Xanh, khu vực được đảm bảo an ninh gắt gao của Baghdad. Họ hô vang khẩu hiệu, cầm biểu ngữ và đốt cờ Mỹ.
Người biểu tình tập trung trước cổng chính đại sứ quán Mỹ để phản đối vụ không kích và yêu cầu đóng cửa cơ quan ngoại giao này. "Quốc hội phải tống khứ quân đội Mỹ khỏi Iraq, nếu không chúng tôi sẽ làm", theo một biểu ngữ.
Một số người biểu tình giận dữ ném đá vào tòa đại sứ Mỹ trong khi những người khác hô vang khẩu hiệu phản đối Tổng thống Mỹ Donald Trump.
Nhiều người đã vượt qua bức tường bao quanh đại sứ quán Mỹ. Lực lượng an ninh Mỹ bên trong khuôn viên tòa đại sứ đã bắn hơi cay và dùng lưu đạn gây choáng để đối phó đám đông, theo Reuters. Lực lượng đặc nhiệm Iraq cũng đã được điều ra xung quanh cổng chính để ngăn đám đông tràn vào đại sứ quán.
Đại sứ Mỹ tại Iraq cùng các nhân viên đã được sơ tán khỏi đại sứ quán của họ ở Baghdad, các quan chức Iraq cho biết.
Trước đó, Lầu Năm Góc ngày 29.12 tuyên bố cuộc không kích nhắm vào lực lượng Kata’ib Hezbollah ở miền tây Iraq và đông Syria là nhằm đáp trả vụ tấn công bằng rocket hôm 27.12 vào căn cứ K1 ở Iraq, khiến 1 nhân viên dân sự Mỹ thiệt mạng và 4 người bị thương. Căn cứ K1 là nơi đóng quân của lực lượng Mỹ và Iraq.
Reuters dẫn lời các nguồn tin an ninh Iraq cho biết ít nhất 25 người thiệt mạng và 55 người bị thương sau 3 đợt không kích của Mỹ, do các chiến đấu cơ F-15 thực hiện, nhắm vào 5 cơ sở của lực lượng Kata'ib Hezbollah được Iran hậu thuẫn ở Iraq và Syria ngày 29.12.
Số thương vong có thể gia tăng do lực lượng cứu hộ tiếp tục tìm kiếm nạn nhân trong những đống đổ nát ở thị trấn Qaim, Iraq giáp với Syria. Lực lượng Kata’ib Hezbollah tuyên bố sẽ tổ chức lễ tang lớn trong ngày 31.12 gần Vùng Xanh, nơi đặt đại sứ quán của Mỹ và các nước khác.
Chính phủ Thủ tướng Iraq Adel Abdel cảnh báo cuộc không kích đe dọa mối quan hệ giữa nước này với Mỹ và tuyên bố sẽ triệu tập đại sứ Mỹ để trao công hàm phản đối. Trong khi đó, Washington cáo buộc chính quyền Iraq đã không thể "bảo vệ" lợi ích và công dân của Mỹ.
"Lực lượng quân sự Mỹ đã hành động nhằm phục vụ mục đích chính trị của họ, chứ không phải vì người dân Iraq. Các cuộc không kích như thế này xâm phạm chủ quyền Iraq. Chúng tôi buộc phải xem xét lại mối quan hệ song phương và khuôn khổ hợp tác an ninh để bảo vệ chủ quyền", theo tuyên bố của chính phủ Iraq ngày 31.12.
Các nhà lập pháp ở quốc hội Iraq cũng đã yêu cầu loại binh sĩ Mỹ khỏi nước này. Hàng chục nhà lập pháp kêu gọi chính phủ xem xét lại hiệp ước cho phép Mỹ triển khai 5.200 binh sĩ ở Iraq. Các cuộc không kích là sự vi phạm hiệp ước, chính vì thế hiệp ước này trở nên “lỗi thời”, các nhà lập nói.
Cùng ngày, chính phủ Iran, Ả Rập Xê Út và Nga lần lượt lên tiến phản đối cuộc không kích của Mỹ ở Iraq.
Căng thẳng Iran - Mỹ leo thang kể từ khi Washington hồi 2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Tehran và tái áp đặt các lệnh cấm vận làm tê liệt nền kinh tế Iran.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Iraq lo ngại nước này có thể trở thành chiến trường giữa Mỹ và Iran.
Bình luận (0)