Người Việt hải ngoại ứng phó Covid-19

08/03/2020 07:00 GMT+7

Không nằm ngoài nỗi lo chung của cộng đồng các nước sở tại, người Việt ở nhiều nước cũng đang đối mặt với các khó khăn nhất định do ảnh hưởng dịch Covid-19 .

Châu Âu “sốt” vì vi rút Corona

Đức hiện có ít nhất 240 ca nhiễm vi rút Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19 tại 15/16 bang ở nước này. Mẹ Finn, một phụ nữ Việt sống tại TP.Kempten (vùng Allgäu, Đức) cho hay mấy ngày trước, do chưa hình dung về dịch Covid-19, nhiều người dân ở đây vẫn bình thản.
Tuy nhiên, vào cuối tuần qua, khi xuất hiện ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên trong vùng Allgäu, người dân bắt đầu lo lắng và sốt sắng đi siêu thị gom các mặt hàng nhu yếu phẩm.

Cuộc sống không quá xáo trộn ở Nhật

Chị Phi Hoa, sống ở Tokyo, cho biết dù Nhật Bản là điểm nóng của dịch Covid-19 song mọi hoạt động ở đây vẫn bình thường. Có chăng là người dân Nhật ít ra đường, hạn chế ở những nơi đông người. Mọi người thường xuyên đeo khẩu trang, chăm rửa tay hơn và không lại gần những người khác.
Theo chị Hoa, có nhiều công ty cho phép nhân viên làm việc tại nhà, song cũng có công ty tạo điều kiện cho nhân viên đi làm lệch giờ để hạn chế việc tiếp xúc, ngừa nguy cơ lây nhiễm bệnh. Chị Hoa cho biết các nhà hàng và nhất là khách sạn tại Tokyo hiện trong tình trạng ế ẩm. Theo một người Việt khác ở Nhật, cuộc sống ở đây vẫn bình thường, chỉ có mặt hàng giấy vệ sinh thì ít hơn bình thường và các siêu thị đều hạn chế mỗi người chỉ được mua 1 bịch.  
Châu Yên
Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, mọi người cảnh giác hơn, đứng xa nói chuyện chứ không lại gần trò chuyện như thường ngày. Trường học vẫn hoạt động, song khuyến cáo những trẻ bị sốt cảm thì nên ở nhà để được cách ly theo dõi. Mọi người hạn chế ra ngoài hoặc đến những nơi đông người. Các trung tâm thương mại tại đây hiện trong tình trạng vắng khách. 
Theo anh Trọng Kha, một du học sinh tại Anh, tình hình tại đây bắt đầu nghiêm trọng hơn, nhưng dân bản xứ có vẻ vẫn chủ quan. Người gốc Á thì hoang mang hơn, nhưng có một nghịch lý là họ không dám đeo khẩu trang khi đi đường vì sợ bị kỳ thị.
Đã xảy ra một số trường hợp người gốc Á bị đánh ở London vì đeo khẩu trang. Tại London, cũng mới lác đác vài người bản xứ mang khẩu trang, còn ở những chỗ khác thì không có cảnh này. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số gia đình người Việt thậm chí có ý định đưa con nhỏ về VN “né” dịch.
Anh Phạm Trường Sơn sống tại Budapest (Hungary) cho hay hiện Hungary có 2 ca nhiễm SARS-CoV-2 được xác nhận là 2 sinh viên Trường Y ở Budapest. Người dân Hungary đang khá căng thẳng, mọi người dự trữ đồ khô khá nhiều. Nhằm giảm nguy cơ dịch bệnh lây lan, nhiều hoạt động cộng đồng thường thu hút đông người tham dự đã được hủy bỏ. Một số công ty công nghệ tại đây cũng cho phép nhân viên làm việc tại nhà.
Theo ông Nguyễn Dương Liên, một bác sĩ nha khoa tại thủ đô Rome (Ý), chính quyền Rome liên tục cập nhật thông tin về diễn biến dịch Covid-19, đồng thời khuyến cáo người dân tránh tụ tập ở những nơi đông người, thường xuyên rửa tay… Tuy nhiên, người dân ở đây có vẻ vẫn bàng quan, không đeo khẩu trang.

Đeo khẩu trang vẫn còn là điều hiếm thấy tại một siêu thị ở Rome, Ý

Nguyễn Dương Liên

Tại thủ đô Paris của Pháp, bà Tam Nguyen cho biết: “Tại siêu thị gần nhà tôi, các kệ hàng thực phẩm có thể trữ được trong thời gian dài đều bị dọn trống, như nui, mì, xốt cà chua…”. Tạm thời gia đình bà hạn chế ra ngoài hoặc lui tới những nơi công cộng và thú nhận “đang sống chung với nỗi sợ hãi vì chẳng biết có những ai trong số những người ở ngoài kia có nhiễm vi rút hay không”.
Hiện chính phủ Pháp đang quản lý việc mua bán khẩu trang, và chỉ có những người có được đơn của bác sĩ mới có thể mua.
Bà cũng tỏ ra bức xúc vì cảm thấy chính phủ không có quyết sách mạnh mẽ trong lúc dịch Covid-19 đang bùng lên ở Pháp. “Nếu đến tuần sau chính quyền vẫn chưa ra quyết định, tôi sẽ cho con tạm nghỉ học ở nhà”, bà Tam Nguyen cho biết.
Người Việt hải ngoại ứng phó Covid-19

Một công ty ở Sydney để nước sát khuẩn tại cổng ra vào cho nhân viên sử dụng  

Ảnh: John Nguyen

Úc giữa nỗi lo tin đồn liên quan Covid-19

Nhiều người Úc đăng tải những hình ảnh cho thấy các kệ siêu thị trống rỗng và khách hàng chất đầy các cuộn giấy vệ sinh trên xe đẩy vì lo ngại dịch Covid-19, bất kể Thủ tướng Úc Scott Morrison tuyên bố chính phủ đảm bảo không thiếu hàng. Hashtag #toiletnecrisis (khủng hoảng giấy vệ sinh) đang là xu hướng được nhiều người ở Úc quan tâm nhất trên Twitter.
Chị Hoàng Ngọc, một người sống ở Sydney, kể: “Cuộc hoảng loạn giấy vệ sinh có thể xuất phát từ hàng loạt tin đồn trên mạng xã hội như Trung Quốc dồn hết nguyên liệu sản xuất giấy vệ sinh, khăn giấy để sản xuất khẩu trang phòng dịch Covid-19. Thậm chí, còn có thông tin cho rằng Trung Quốc ngừng sản xuất giấy vệ sinh. Bên cạnh đó, một số ca nhiễm mới được ghi nhận cũng khiến nhiều người sợ hãi”.

[VIDEO] Người Úc sợ gì mà phải trữ giấy vệ sinh để đề phòng dịch Covid-19 bùng phát?

Truyền thông Úc phỏng vấn nhiều người dân ồ ạt gom giấy vệ sinh và đa số trả lời rằng đây là sản phẩm giữ vệ sinh cơ bản và lo ngại hết hàng nên tranh thủ đi mua.
“Tôi có thể nhận thấy những người dùng mạng xã hội vô trách nhiệm đã góp phần gieo rắc nỗi sợ hãi dịch bệnh. Sự sợ hãi giờ đây còn nguy hiểm hơn cả vi rút”, bà Erin Chew, nhà hoạt động xã hội tại Tổ chức Liên minh vì cộng đồng người Úc gốc Á ở TP.Sydney, nói.
Riêng anh Nguyễn Văn Thịnh, cũng ở Sydney, cảm thấy rất bức xúc khi anh thật sự không còn giấy vệ sinh, nhưng đi nhiều siêu thị mà không thể mua được. Một tờ báo ở Úc thậm chí còn kèm thêm 4 trang giấy trắng tặng độc giả trong tình hình khủng hoảng giấy vệ sinh.
“Tin giả tràn lan khiến nhiều người giống như bị tẩy não. Kết quả là cuộc khủng hoảng giấy vệ sinh. Hãy tuân thủ khuyến cáo của chính phủ và Tổ chức Y tế thế giới (WHO): rửa tay thường xuyên, che miệng khi ho và đến gặp bác sĩ nếu bị bệnh. Không bác sĩ nào khuyến cáo mua giấy vệ sinh dự trữ để phòng dịch Covid-19”, bà Chew nói.

[VIDEO[ Lời khuyên "rửa tay theo quốc ca" của bộ trưởng Anh khác gì lời khuyên rửa tay "Ghen Cô Vy"?

Bên cạnh đó, chị L.T ở TP.Melbourne (bang Victoria, Úc) kể các nhà hàng Trung Quốc tại Melbourne hiện rất vắng khách. Nhà chị cũng hạn chế ra ngoài do con chị còn nhỏ và vừa ốm dậy. Nhưng nhìn chung, mọi hoạt động tại đây vẫn diễn ra bình thường.
Anh John Nguyen (sống tại Sydney, bang New South Wales, Úc) cho hay mọi việc ở đây vẫn bình thường. Trường học vẫn mở cửa, các công ty hoạt động như mọi ngày. Cũng hiếm có cảnh đeo khẩu trang ở ngoài đường. Theo anh John, nhà mạng Vodafone hôm 5.3 cho nhân viên sơ tán khỏi trụ sở của hãng ở Sydney vì có một ca nghi nhiễm Covid-19. Các nhân viên của Vodafone hiện được phép làm việc tại nhà.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.