Nguy cơ biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn

09/08/2021 06:10 GMT+7

Giới khoa học cảnh báo con người sẽ sớm đối mặt với biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm hơn nếu dịch Covid-19 tiếp tục lây lan mạnh trên toàn cầu.

Dữ liệu của Đại học Johns Hopkins (Mỹ) cho thấy tính đến ngày 8.8, thế giới đã ghi nhận hơn 202 triệu ca mắc, với hơn 4,4 triệu ca tử vong. Số ca nhiễm vẫn đang gia tăng tại khoảng 85 quốc gia và vùng lãnh thổ, theo Reuters.

Delta hoành hành

Nhiều nước đang đẩy nhanh chương trình tiêm chủng trong bối cảnh biến chủng Delta khiến dịch Covid-19 bùng phát trở lại ở những nơi đã từng ổn định tình hình. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), biến chủng Delta đã được ghi nhận ở ít nhất 135 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Ngoài Delta, giới khoa học đang quan tâm những biến thể Covid-19 nào?

Ngày 7.8, Mỹ ghi nhận hơn 100.000 ca nhiễm mới, mức cao nhất trong khoảng 6 tháng qua, theo Bloomberg. Đợt dịch này do biến thể Delta lây lan nhanh và tập trung nhiều tại những nơi có tỷ lệ tiêm chủng vắc xin Covid-19 thấp ở miền nam. Giới chức y tế lo ngại việc không tiêm vắc xin sẽ khiến số ca bệnh và người chết ở nước này tăng vọt.
Nhật Bản hôm qua cũng thắt chặt biện pháp hạn chế tại 8 tỉnh mới, sau khi đặt thủ đô Tokyo và 5 tỉnh xung quanh vào tình trạng khẩn cấp vì biến chủng Delta. Trong 4 ngày liên tiếp vừa qua, Nhật Bản ghi nhận các kỷ lục ca mắc mới, đẩy tổng số ca bệnh kể từ đầu dịch vượt mốc 1 triệu.
Tình hình tại Đông Nam Á vẫn chưa cải thiện khi số ca nhiễm và tử vong tại nhiều nước ở mức cao. Hôm 7.8, Brunei là quốc gia mới nhất tại khu vực phải đưa ra các quy định nghiêm ngặt sau khi phát hiện những ca lây nhiễm trong cộng đồng đầu tiên sau 15 tháng, theo Tân Hoa xã.
Trong khi đó tại Trung Quốc, hàng chục thành phố đang cấp tốc xét nghiệm và siết các biện pháp phòng dịch sau khi các ổ dịch mới bùng phát từ cuối tháng 7. Giới chức Trung Quốc cho hay đợt dịch mới chủ yếu do biến chủng Delta gây ra.

Nguy cơ xuất hiện biến chủng mới

Giữa lúc thế giới đang chật vật đối phó Delta, nhiều biến chủng SARS-CoV-2 khác càng gây thêm lo ngại. Ngày 7.8, Nhật Bản báo cáo ca nhiễm biến thể Lambda đầu tiên tại nước này, theo The Japan Times. Lambda xuất hiện lần đầu tại Peru vào tháng 8.2020 và WHO xếp vào nhóm biến chủng “đáng quan tâm”. Hiện Lambda đã được ghi nhận ở hơn 40 quốc gia và đang có nguy cơ trở thành biến chủng chủ đạo ở Nam Mỹ. Biến chủng này cũng đã xuất hiện tại 44 bang của Mỹ với hơn 1.000 ca bệnh.

'Biến chủng tận thế' vượt qua mọi vắc xin Covid-19: khả năng cực kỳ thấp

Giới khoa học chưa chắc chắn về khả năng lây lan của Lambda và hiệu quả của vắc xin trước biến chủng này. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho rằng Lambda có thể lây nhanh hơn chủng SARS-CoV-2 gốc. Các nhà khoa học cũng kêu gọi người dân nhanh chóng chủng ngừa vắc xin để tránh mối nguy từ các biến chủng mới.
Hôm 4.8, bà Thạch Chính Lệ, nhà nghiên cứu vi rút Corona tại Viện Vi rút học Vũ Hán (Trung Quốc), cảnh báo số ca nhiễm quá nhiều là cơ hội cho biến chủng SARS-CoV-2 mới xuất hiện. Chuyên gia dịch tễ học hàng đầu Mỹ Anthony Fauci ngày 5.8 cũng nói trên Đài ABC News rằng nếu cứ để biến chủng Delta lây lan, Mỹ sẽ phải đối diện các biến chủng mới có khả năng kháng vắc xin.
Bùng nổ chiêu trò gian lận với vắc xin
Tờ The Wall Street Journal đưa tin nạn làm giả giấy chứng nhận tiêm vắc xin Covid-19 đang gây nhức nhối ở Mỹ và châu Âu sau khi những nơi này ra quy định bắt buộc một số đối tượng nhất định phải chủng ngừa. Ngược lại, mặc dù chính phủ chưa phê duyệt, hàng trăm người Mỹ đã tìm cách tiêm thêm mũi vắc xin ngừa Covid-19 thứ ba nhờ lỗ hổng trong giám sát và nguồn vắc xin dư thừa, theo AP.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.