Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) của Mỹ hôm qua (7.8) công bố kết quả nghiên cứu mới cho thấy người chưa tiêm vắc xin có khả năng tái mắc bệnh cao gấp 2,34 lần so với người đã tiêm đủ liều những loại vắc xin được Mỹ cấp phép (Pfizer, Moderna hoặc Johnson & Johnson).
Nên tiêm dù nhiễm bệnh hay chưa
AP dẫn một khảo sát mới của Công ty Gallup cho thấy một trong những lý do chính khiến người Mỹ từ chối tiêm chủng, trong đó có cả một số chính trị gia, là vì họ tin rằng đã hình thành miễn dịch sau khi mắc bệnh và hồi phục.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cho rằng khả năng miễn dịch tự nhiên này không đủ để ngăn chặn các biến chủng mới của SARS-CoV-2. Thậm chí, nghiên cứu chỉ ra rằng có trường hợp người đã hồi phục sau khi mắc Covid-19 vẫn không hình thành kháng thể. CDC lưu ý nguy cơ tái nhiễm thấp sau vài tháng, nhưng có thể tăng theo thời gian do khả năng miễn dịch suy yếu dần.
Mặc dù nghiên cứu còn một số điểm hạn chế, nhưng CDC tuyên bố phát hiện mới giúp củng cố khuyến cáo của cơ quan này về việc người đủ điều kiện nên tiêm vắc xin phòng bệnh, bất kể người đó có từng nhiễm bệnh hay chưa.
TS Anthony Fauci, Trưởng Cố vấn y tế tổng thống Mỹ, khẳng định tiêm vắc xin sẽ giúp người từng nhiễm Covid-19 tăng cường khả năng miễn dịch không chỉ đối với chủng vi rút ban đầu mà còn đối với những biến chủng khác.
Các nghiên cứu khác đăng trên chuyên san Science and Nature cũng cho thấy người từng hồi phục và được tiêm vắc xin có khả năng miễn dịch tốt hơn đối với cả những biến chủng mới. Một số chuyên gia gọi đây là khả năng “miễn dịch lai”, giúp người hồi phục sau nhiễm bệnh và được tiêm vắc xin tạo ra những kháng thể có thể phát hiện và ngăn chặn biến chủng mà họ chưa từng tiếp xúc.
Vắc xin giúp giảm nhẹ triệu chứng, tử vong
Trong khi tâm lý e dè đối với vắc xin vẫn tồn tại, một thực tế đã được chứng minh là việc tiêm chủng sẽ giúp ngăn chặn người bệnh khỏi nguy cơ nhập viện và tử vong, ngay cả khi nhiễm biến chủng mới. Giám đốc CDC Rochelle Walensky nói rằng hầu hết những ca nhập viện và tử vong đều là những người chưa tiêm vắc xin.
Theo số liệu của báo The New York Times, tính từ ngày 31.7 - 6.8, số ca nhiễm trung bình mỗi ngày tại Mỹ là 106.723, số ca nhập viện trung bình trên 55.000/ngày, trong khi số ca tử vong trung bình gần 500/ngày. Tuần lễ có số ca nhiễm trung bình hằng ngày trên 100.000 là đầu tháng 2. Khi đó, số ca nhập viện trung bình hơn 84.000/ngày và số ca tử vong trung bình hơn 2.770/ngày.
Số liệu của dự án Our World in Data thuộc Đại học Oxford (Anh) cũng cho thấy xu hướng tương tự tại những nước có tỷ lệ tiêm vắc xin cao như Anh và Israel. Vào thời điểm số người được tiêm vắc xin còn thấp, số ca nhập viện và tử vong trên số ca nhiễm cao hơn thời điểm vắc xin được tiêm rộng rãi, dù số ca nhiễm bệnh của hai thời điểm là tương đương nhau.
Người đã hồi phục có thể chỉ cần tiêm một liều vắc xin
Một nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Rush (Mỹ) đăng trên chuyên san JAMA Network Open ngày 6.8 cho thấy người từng mắc Covid-19 có thể chỉ cần tiêm 1 liều vắc xin Pfizer là đủ phản ứng miễn dịch.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học so sánh mức kháng thể của người từng mắc bệnh và tiêm 1 liều Pfizer với người chưa từng mắc bệnh nhưng đã tiêm 2 liều. Kết quả cho thấy mức kháng thể của những người hồi phục và tiêm 1 liều cao hơn so với nhóm còn lại. Nghiên cứu cũng cho thấy việc tiêm liều thứ 2 cho người đã hồi phục không giúp tăng đáng kể lượng kháng thể so với chỉ tiêm 1 liều.
Do đó, các nhà nghiên cứu kết luận rằng những người đã hồi phục có thể chỉ cần tiêm 1 liều vắc xin, qua đó giúp tiết kiệm hàng triệu liều vắc xin cho những người khác.
|
Bình luận (0)