Nhật Bản thiếu phiên dịch viên tiếng Việt

03/01/2021 09:12 GMT+7

Nhật Bản hiện cần phiên dịch viên tiếng Việt khi lao động Việt đến nước này ngày càng nhiều theo sau chính sách thu hút lao động nước ngoài của chính phủ.

Phan Bích Chi (30 tuổi), phiên dịch viên người Việt tại Osaka International House Foundation (OIHF) ở TP.Osaka (tỉnh Osaka, Nhật Bản), luôn bận rộn khi đến văn phòng làm việc. Có nhiều ngày, những cuộc gọi điện nhờ Chi phiên dịch không dứt, theo tờ Nikkei Asia. “Chúng tôi bận rộn hơn nhiều kể từ tháng 3.2020. Nhiều lúc, tôi trò chuyện qua điện thoại suốt 8 tiếng làm việc”, Chi kể.

Cung không đủ cầu

OIHF tổ chức liên kết với chính quyền Osaka, cung cấp phiên dịch viên cho người nước ngoài hoặc giới thiệu họ đến các cơ quan nhà nước. Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tổ chức này nhận được ngày càng nhiều yêu cầu hỗ trợ phiên dịch về mảng chăm sóc sức khỏe và việc làm từ công dân Việt Nam.
Năm 2019, chính phủ Nhật Bản ban hành một loại thị thực mới cho “lao động có kỹ năng cụ thể” trong 14 lĩnh vực thiếu hụt nhân lực trầm trọng như điều dưỡng, nông nghiệp và xây dựng, theo tờ Nikkei Asia. Kể từ đó, hàng ngàn người Việt Nam, Indonesia và công dân nhiều nước châu Á khác đến Nhật tìm kiếm việc làm. Hiện dịch Covid-19 khiến lao động nước ngoài không thể về nước
Cụ thể, OIHF tiếp nhận 799 yêu cầu cần phiên dịch viên trong tháng 7.2020, tăng gần ba lần so với tháng 2.2020. Trong đó có 124 yêu cầu bằng tiếng Việt, nhiều thứ ba sau tiếng Hoa và tiếng Anh. Vào tháng 7.2019, thời điểm mở dịch vụ qua điện thoại, OIHF chỉ nhận có 3 yêu cầu bằng tiếng Việt, theo tờ Nikkei Asia. Đội ngũ phiên dịch viên tiếng Việt dù đã được tăng cường vào tháng 9.2020, nhưng vẫn không thể xử lý hết lượng công việc nếu số yêu cầu tiếp tục tăng.
Tương tự, thiếu phiên dịch tiếng Việt cũng xảy ra ở Trung tâm thông tin đa ngôn ngữ (MIC) Kanagawa - một tổ chức phi lợi nhuận ở TP.Yokohama (tỉnh Kanagawa), thường cử phiên dịch viên tiếng nước ngoài đến các bệnh viện trong tỉnh. Vào tháng 3.2020, trước khi bắt đầu ngừng cung cấp dịch vụ do lo ngại Covid-19, MIC nhận được 45 yêu cầu cần phiên dịch viên tiếng Việt. Tuy nhiên, MIC chỉ có thể đáp ứng được 12 yêu cầu. Do số lượng phiên dịch viên tiếng Việt có hạn, “chúng tôi thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc từ chối yêu cầu, ngay cả thời điểm hiện nay”, một nhân viên MIC cho biết.

Bất lợi cho lao động Việt

Tình trạng  thiếu phiên dịch viên khiến cư dân nước ngoài ở Nhật lo lắng. OIHF thường nhận được yêu cầu tư vấn từ những người ngại đến Cơ quan quản lý nhập cư hoặc cảnh sát vì tiếng Nhật kém. Trong khi đó, tình trạng thiếu phiên dịch viên tiếng Việt khiến người Việt tại Nhật khó tiếp cận đầy đủ dịch vụ hỗ trợ của chính phủ cùng các dịch vụ khác. Vấn đề này là do số lượng người Việt tăng mạnh, khi chính phủ Nhật tăng cường thu hút lao động nước ngoài để bù đắp thiếu hụt nhân lực trong nước.
Tính đến tháng 6.2020, có 420.415 người Việt cư trú tại Nhật, tăng 2% so với cuối năm ngoái và tăng gấp 3,4 lần so với 5 năm trước đó, theo Bộ Tư pháp Nhật. Người Việt chiếm
14,6% tổng số cư dân nước ngoài ở Nhật, tăng 8,8% so với 5 năm trước, là cư dân nước ngoài đông thứ 3 tại Nhật, sau người Trung Quốc và Hàn Quốc.
Số lượng phiên dịch viên tiếng Việt ít do khan hiếm người Việt thuộc thế hệ thứ hai và thứ ba thông thạo cả tiếng Nhật và tiếng Việt. Nguồn tài chính công eo hẹp khiến chính quyền địa phương ngại tuyển phiên dịch viên thường trực. “Các chính quyền địa phương phụ thuộc vào tình nguyện viên từ các tổ chức liên kết hoặc tổ chức phi lợi nhuận”, theo tờ Nikkei Asia dẫn lời Giáo sư Makiko Mizuno tại Đại học Kinjo Gakuin (Nhật).
“Phiên dịch viên không chỉ có khả năng ngôn ngữ mà còn phải biết thuật ngữ chuyên môn và kỹ năng ghi chú tốt. Tình nguyện viên thường thiếu hai kỹ năng sau, có thể dẫn đến dịch sai”, phó giáo sư Minoru Naito tại Đại học Ngoại ngữ Tokyo cho hay. Theo tờ Nikkei Asia dẫn lời ông Naito, “để cung cấp dịch vụ thích hợp cho người nước ngoài, chính quyền nên đảm bảo phiên dịch viên chất lượng cao thông qua việc thiết lập hệ thống trình độ quốc gia và tạo cơ chế thuê lao động với mức thù lao xứng đáng”. Còn theo Giáo sư Mizuno, cải thiện dịch vụ cho nhóm người sử dụng ngôn ngữ thiểu số sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng cô lập xã hội, hồi sinh các cộng đồng địa phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.