Những đại dịch kinh hoàng trong lịch sử nhân loại

05/09/2020 20:26 GMT+7

Bệnh dịch luôn là một thách thức lớn cho giới khoa học suốt hàng ngàn năm qua. Khi bệnh dịch này được khắc chế thì sau đó lại xuất hiện bệnh dịch khác.

Xuyên suốt lịch sử nhân loại, thế giới đến nay đã trải qua nhiều trận dịch bệnh với hậu quả thảm khốc trước khi đại dịch Covid-19 đang hoành hành hiện nay.

Dịch bệnh Athens

Năm 430 TCN, dịch bệnh Athens là đại dịch đầu tiên được ghi lại trong bối cảnh chiến tranh Peloponnesian, với các triệu chứng giống bệnh thương hàn, bao gồm sốt dữ dội, khát nước, cổ họng và lưỡi bị sưng viêm, da đỏ và có nhiều vết bầm tím. Sau khi lây truyền đến Libya (Bắc Phi), Ethiopia (Đông Phi) và Ai Cập, nó đã đến thành phố Athens ngay thời điểm quân Sparta vây đánh.
Đó là điều kiện thuận lợi cho đại dịch phát sinh và lây lan nhanh chóng, cướp đi mạng sống của 2/3 dân số, ước tính lên đến 100.000 người. Dịch bệnh kéo dài trong suốt 5 năm, tàn phá nghiêm trọng thành phố Athens, Hy Lạp và làm suy giảm đáng kể dân số thành phố Athens - một trong những yếu tố dẫn đến thất bại của họ trước đội quân Sparta.

Đại dịch hạch Antonine

Năm 165, lực lượng quân đội trở về từ các chiến dịch tại vùng Cận Đông mang theo đại dịch hạch Antonine và lây lan ra khắp đế quốc La Mã, tàn sát quân đội La Mã, khiến khoảng hơn 5 triệu người tử vong, trong đó có hoàng đế La Mã Marcus Aurelius.
Các triệu chứng bao gồm sốt, đau họng, tiêu chảy và xuất hiện các vết loét mưng mủ ở giai đoạn cuối. Tình hình bất ổn trong đại dịch đã góp phần chấm dứt thời kỳ Pax Romana (Hòa bình La Mã).

Đại dịch hạch Cyprian

Năm 250, đại dịch hạch Cyprian xuất hiện đã ảnh hưởng tới đế chế La Mã giai đoạn từ năm 249 - 262, khiến 5.000 người chết mỗi ngày vào giai đoạn cao điểm. Không có con số chính xác về tổng số người thiệt mạng trong đại dịch này, nhưng ước tính con số không dưới 1 triệu.

Bệnh dịch hạch Justinian

Năm 541, bệnh dịch hạch Justinian xuất hiện ở Ai Cập sau đó lây lan khắp Palestine và đế quốc Byzantine (nằm ở phía đông của đế quốc La Mã sau này) rồi lan đến vùng Địa Trung Hải cướp đi sinh mạng của hơn 40% dân số trong thành phố Constantinople và 1/4 dân số ở phía đông Địa Trung Hải, khiến tổng số nạn nhân lên đến hơn 50 triệu người (chiếm 26% dân số thế giới).
Đế quốc Byzantine bị tàn phá bởi bệnh dịch hạch, rồi từ đây bắt đầu suy tàn.

Đại dịch “Cái chết đen”

Năm 1350, đại dịch “Cái chết đen” đã cướp đi sinh mạng của 1/3 dân số thế giới, khoảng 75 triệu người. Bệnh dịch được gây ra bởi một chủng vi khuẩn có tên là Yersinia Pestis, bắt nguồn từ châu Á, sau đó theo đoàn người di cư, thương nhân và các đoàn lữ hành về phía tây rồi lây lan sang khắp châu Âu và cả châu Phi.

Kỳ bí "thành phố chết", nơi cách ly bệnh nhân đại dịch hàng trăm năm trước tại Nga

Đại dịch tác động mạnh mẽ, thay đổi tiến trình lịch sử châu Âu. Việc thiếu nguồn nhân công giá rẻ đã góp phần thúc đẩy việc phát triển đổi mới công nghệ tại châu lục này.

Bệnh đậu mùa

Năm 1492, người Tây Ban Nha xuất hiện tại vùng Caribbean và mang theo những căn bệnh từ châu Âu như đậu mùa, sởi và nhiều bệnh dịch khác. Vì chưa có hệ miễn dịch nên gần 90% dân số ở phía bắc và nam vùng Caribbean đã thiệt mạng bởi các dịch bệnh. Hậu quả là số dân trên hòn đảo Hispaniola từ khoảng 60.000 đã giảm xuống còn ít hơn 500 người.
Đế chế Aztec cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng và bị tận diệt bởi căn bệnh đậu mùa do lây nhiễm từ những nô lệ châu Phi vào năm 1520.

Dịch hạch ở London (Anh)

Đại dịch hạch ở London (Anh) xảy ra từ năm 1665 - 1666 là một trong những trận dịch lớn nhất trong lịch sử thế giới. Vào thời điểm vua Charles II rời khỏi thành phố vào tháng 7, dịch bệnh này đã giết chết khoảng 1.000 người/tuần, và khi dịch bệnh kết thúc, số người tử vong lên đến 100.000, tương đương 15% dân số London.

Chuỗi đại dịch tả

Năm 1817, nhân loại nhận đại dịch tả lần thứ nhất trong số bảy đại dịch tả trong vòng 150 năm sau đó. Dịch tả bắt nguồn từ nước Nga, rồi theo những người lính Anh truyền đến Ấn Độ, tiếp đó là Tây Ban Nha, châu Phi, Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ý, Đức và Mỹ, đã làm thiệt mạng 150.000 người.

Dịch cúm ở Nga

Năm 1889 ghi nhận dịch cúm ở Nga xuất phát từ Siberia và Kazakhstan, sau đó lây lan vào Moscow và tới nhiều nơi khác ở châu Âu như Phần Lan, Ba Lan… khiến khoảng 360.000 người chết.

Các đại dịch cúm

Năm 1918, thế giới ghi nhận dịch cúm Tây Ban Nha - dịch cúm lớn nhất và gây chết nhiều người nhất, 50.000 người thiệt mạng toàn thế giới. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Pháp, Mỹ và Sierra Leone.

Virus corona đáng sợ ra sao so với các đại dịch từng xảy ra?

Tiếp đến là trận cúm châu Á năm 1957, từ Hồng Kông lan sang Trung Quốc rồi đến Mỹ, cúm châu Á của chủng vi rút H2N2 có nguồn gốc từ Trung Quốc đã lây lan chóng mặt trong vòng 6 tháng, giết chết 14.000 người và tiếp tục bùng phát thêm một đợt cúm tại Mỹ làm 69.800 người chết. Nhưng sau đó đã tìm được vắc xin chấm dứt đại dịch này.

Thảm họa HIV

Và một trong những thảm họa kinh hoàng nhất mà nhân loại phải đối mặt trong nhiều năm gần đây là đại dịch HIV/AIDS năm 1981 - chủng vi rút làm suy giảm miễn dịch ở người. Tuy nhiên, trên thế giới hiện nay vẫn chưa có thuốc chữa, tính đến đầu những năm 2000, đã có gần 35 triệu người tử vong.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.