Nôn nóng tìm thi thể nạn nhân

07/10/2018 08:00 GMT+7

Thêm 20 tử thi đã được đưa khỏi đống đổ nát trong chiều 6.10 ở làng Petobo, và Kartono là người hướng dẫn đội cứu hộ đến từng vị trí đưa thi thể người làng đi an táng.

Có mặt ở Petobo những ngày qua, chúng tôi cảm nhận rõ những khó khăn, phức tạp của địa hình trong công tác cứu hộ. Hy vọng tìm được nạn nhân sống sót ở ngôi làng là bằng không, nhưng còn rất nhiều tử thi dù được phát hiện vị trí, nhưng chưa thể đưa ra khỏi làng. Nguyên do những đứt gãy của mặt đất khiến nạn nhân ở Petobo bị vùi sâu trong nhà cửa, đất đá, cả ruộng vườn lên trên, do vậy cần đến phương tiện cơ giới hạng nặng mới có thể tiếp cận và dịch chuyển những đống đổ nát để tìm thi thể. Những người sống sót ở Petobo thực sự sốt ruột vì đã hơn một tuần, nhưng người thân của họ vẫn chưa tìm được nơi an nghỉ cuối cùng. Để rút ngắn thời gian, người làng Petobo đã lần mò trong đống đổ nát của làng, xác định danh tính từng ngôi nhà, trổ mái thâm nhập vào từng ngóc ngách để chỉ điểm cho đội cứu hộ đến lấy xác.
[VIDEO] Hậu thảm họa kép Indonesia: bới tìm thức ăn giữa đổ nát hoang tàn

Tập trung về Petobo
Thêm hai chiếc xe xúc hạng nặng được điều đến Petobo sáng 6.10 để hỗ trợ công tác tìm kiếm nạn nhân dưới đống đổ nát. Trong số các địa điểm hứng chịu cơn thảm họa động đất và sóng thần ở Palu, Petobo hiện đang trở thành tâm điểm cho công tác cứu hộ bởi con số thương vong vẫn nằm dưới bùn đất của làng dự báo có thể đến nghìn người.
Từ sáng sớm 6.10, khi lực lượng cứu hộ còn đang sắp xếp trang thiết bị ngoài rìa làng Petobo để chuẩn bị một cuộc đào xới quy mô lớn, anh Kartono đã có mặt trong đống đổ nát. Khi chúng tôi tiến vào làng chưa đầy trăm mét, vượt qua một ngọn đồi đất sét mới hình thành, cảm giác rợn gai ốc lập tức níu theo từng bước chân bởi khắp không gian bốc lên mùi tử thi nồng nặc. Chúng tôi gặp được Kartono, anh nhiệt tình dẫn chúng tôi đi qua từng con đường, ngôi nhà, bụi cây, chỉ cặn kẽ từng vị trí có thể bước qua an toàn. Trò chuyện thêm, chúng tôi biết được Kartono là người may mắn sống sót trong gia đình 8 người sau cơn trượt đất ở Petobo.
Lực lượng cứu hộ dồn về Petobo sáng 6.10
Từ sau thảm họa, Kartono bám trụ ở làng mỗi ngày, đêm về khu đất trống trước sân bay ngủ tạm trong lều bạt của những nạn nhân cùng cảnh ngộ. Anh bảo: “Tôi về làng tìm lại nhà của mình, mất đến hai ngày mới tìm được vị trí ngôi nhà, nó bị bẹp gí, xiêu vẹo, hai cây dừa trồng mãi xa ở vườn sau nhà bị dồn lên trên mái. Nhưng cha mẹ, các anh chị và cháu tôi vẫn tìm chưa ra”.
Kartono cần mẫn đi qua từng ngôi nhà, xác định danh tính của chủ nhân, và nguy hiểm hơn là lục tìm trong đống đổ nát những vị trí thi thể đang nằm lại. Anh cho biết: “Vì địa bàn của Petobo ở xa, lực lượng cứu hộ đến chậm, hơn nữa cần phải có thiết bị cơ giới nặng mới đủ khả năng đào bới đưa thi thể ra ngoài. Tôi dành thời gian đi tìm các vị trí mà người làng mắc kẹt, đánh dấu lại, nghiên cứu cả cách tiếp cận sao cho an toàn, để khi đội cứu hộ đến tôi sẽ chỉ điểm để họ đỡ mất thời gian trong việc tìm kiếm thi thể”.
Nói rồi Kartono đưa chúng tôi vào một ngôi nhà bị động đất đẩy lên cao nhất ở Petobo. Theo chân anh, chúng tôi không khỏi rùng mình khi len vào những khe hẹp, những đống gạch vỡ nát chồng lên nhau, cùng đủ vật dụng bị xáo trộn. Chỉ một sơ sẩy nhỏ cũng có thể tự gây nguy hiểm cho bản thân, trong khi địa tầng lồi lõm của làng Petobo vẫn chưa ổn định. Luồn lách lên đến phần nóc mái, Kartono đưa chúng tôi xuống một hố lớn, nặng mùi, anh kể: “Chỗ này tôi tìm được 4 thi thể ở cùng vị trí và đã cùng anh em tình nguyện của làng đưa đi an táng, nhưng còn một người nữa bị mảng bê tông lớn đè chưa đưa ra được”. Theo hướng tay chỉ của Kartono, chúng tôi không khó nhận ra vị trí người bị nạn. Kartono cho biết anh đã tìm ra khoảng hơn 40 vị trí như thế và đang đợi phương tiện cơ giới đến làm nốt phần việc còn lại.
Chạy đua với thời gian
Ở làng Balaroa, công tác tìm kiếm nạn nhân ngày càng khó khăn hơn bởi gió khô và nắng nóng khiến lớp bùn trở nên quánh lại. Chứng kiến công tác cứu hộ lúc cuối ngày ở Balaroa hôm 5.10, những tử thi khi được máy xúc đào lên gần như không thể nhận dạng. Những ngày trước, khi tìm thấy các tử thi, nhân viên cứu hộ sẽ tiến hành lấy mẫu, chụp ảnh phục vụ cho việc nhận dạng sau này. Nhưng từ sau ngày 6.10, các thủ tục này đều được lược bỏ, ưu tiên cho việc chôn cất nạn nhân càng sớm càng tốt bởi khi các tử thi không còn nguyên vẹn, mối nguy về tình trạng nhiễm khuẩn có thể ảnh hưởng đến sức khỏe các thành viên cứu hộ cứu nạn, kể cả với cộng đồng xung quanh.
Tử thi ở làng Balaroa được tập trung trước khi đem chôn cất
Công tác tìm kiếm nạn nhân ở Petobo được các thành viên cứu hộ ghi nhận là khó khăn nhất trong số các địa bàn chịu ảnh hưởng thảm họa. Các tòa nhà khi xô vào nhau, tuy được đẩy lên cao nhưng phía dưới vẫn là những lỗ hổng chết người; ngay cả với phương tiện cơ giới, nếu chỉ sơ sẩy, đi sai vị trí cũng dễ dẫn đến lật xe, gặp nạn. Theo quan sát của chúng tôi, cả ngày tìm kiếm 6.10, đội cứu hộ tiến thêm được khoảng 200 m vào làng, vẫn còn nhiều vị trí cắm cờ, cắm gậy báo hiệu có tử thi bên dưới nhưng vẫn chưa thể đưa xe xúc tiếp cận.
Do bị ảnh hưởng bởi đất trượt, nhiều vật dụng trong các ngôi nhà ở Petobo vẫn còn khả năng sử dụng, thế nên ngoài lực lượng cứu hộ, các thành viên của làng sống sót sau thảm họa cũng tìm về Petobo để lục tìm những thứ còn sử dụng được. An ninh được tiếp tục thắt chặt từ ngoài rìa làng tránh tình trạng hôi của, lục lọi và lấy đi các vật dụng giá trị như xe máy, tiền bạc, tư trang.
[VIDEO] Giải quyết hậu quả động đất, sóng thần Indonesia: ít tiến triển, người dân tức giận
Dựa theo tốc độ đào bới của lực lượng cứu hộ, khả năng tìm kiếm nạn nhân trong đổ nát ở Petobo sẽ ngày một khó khăn hơn. Giới chức Indonesia dự báo thời gian cần để khắc phục những đổ nát ở hai làng Petobo và Balaroa mất khoảng 2 năm, và sẽ có nhiều nạn nhân khả năng không bao giờ được tìm thấy.
Những nỗ lực không ngừng nghỉ của các lực lượng cứu hộ Indonesia và quốc tế vẫn đang chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả. Trên đường qua sân bay Palu chiều 6.10, chúng tôi nhận thấy điện đã có trở lại, nguồn nước công cộng ngay cửa ngõ vào sân bay cũng được mở tự do để người dân sử dụng. Cuộc sống ở Palu đã hơn một tuần sau thảm họa đang ngày một ổn định và khả quan hơn.
Lại thêm một đêm nữa chúng tôi ngủ ngoài bờ cỏ, cạnh điểm tập trung của cánh báo chí quốc tế ở phần sân Công ty viễn thông Telkom, số 07 Ahmad Dahlan. Vẫn là những gương mặt quen thuộc tác nghiệp ở Palu từ cả tuần qua sau thảm họa động đất, sóng thần. Ai nấy đều mệt nhoài với đói, khát, mỏi mệt, mong cho nhanh qua ngày mới, với hy vọng được nghe những thông tin tốt lành hơn là đếm con số thương vong tăng lên theo từng ngày, từng giờ.
(Từ Palu, Indonesia)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.