Pháp khẳng định chiến lược Indo-Pacific không thay đổi

Khánh An
Khánh An
28/09/2021 21:17 GMT+7

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định chiến lược của nước này đối với khu vực Indo-Pacific sẽ không thay đổi sau những căng thẳng với Úc và Mỹ.

Hãng AFP ngày 28.9 dẫn lời Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho hay việc Úc hủy hợp đồng mua tàu ngầm sẽ không làm thay đổi chiến lược của Pháp ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific).
“Chúng tôi có 1 triệu đồng bào sống ở khu vực này và hơn 8.000 binh sĩ được điều động đến đó”, ông phát biểu, đề cập đến sự hiện diện của Pháp tại các lãnh thổ hải ngoại.
Trước đó, Pháp nổi giận trước việc Úc hủy hợp đồng trị giá 65,5 tỉ USD để mua hạm đội 12 tàu ngầm tấn công nước này đã ký với công ty Naval Group của Pháp vào năm 2016.

Thỏa thuận tàu ngầm hạt nhân Mỹ-Úc-Anh bị những nước nào phản ứng?

Thay vào đó, Canberra sẽ mua các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân do Mỹ và Anh chế tạo theo thỏa thuận an ninh mới giữa 3 bên. Pháp đã triệu hồi các đại sứ tại Úc và Mỹ, nhưng sau đó cho hay đại sứ sẽ quay lại Mỹ.
Trong một diễn biến khác, tờ South China Morning Post ngày 28.9 đưa tin Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi các nước NATO nên tập trung vào châu Âu và Bắc Mỹ hơn là thành lập liên minh quân sự ở châu Á - Thái Bình Dương.
Trong cuộc điện đàm trực tuyến với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg hôm 27.9, Ngoại trưởng Trung Quốc cho rằng liên minh xuyên Đại Tây Dương nên ở “vị trí địa chính trị ban đầu”.
Ngoại trưởng Vương nói rằng Trung Quốc đã không phải là đối thủ của NATO và cũng sẽ không phải là đối thủ, đồng thời kêu gọi tìm hiểu quan điểm song phương để thúc đẩy mối quan hệ, “không nghe thông tin sai lệch và bị lừa bởi những lời nói dối và tin đồn”.
Trong khi đó, ông Stoltenberg cho biết NATO quan ngại về “vũ khí hạt nhân mở rộng” của Trung Quốc, ngay cả khi liên minh này không xem Bắc Kinh là đối nghịch.
Ông kêu gọi Bắc Kinh tham gia đối thoại về kiểm soát vũ khí, tuân thủ các cam kết quốc tế và hành động có trách nhiệm. Bên cạnh đó, ông bày tỏ quan ngại về các chính sách cưỡng ép của Trung Quốc cũng như thiếu minh bạch về hiện đại hóa quân đội.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.