Mỹ ngày 7.7 chính thức thông báo Tổng thư ký LHQ về quyết định rời WHO, bắt đầu khởi động quy trình rút khỏi tổ chức này, theo Hãng AFP dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Quyết định sẽ có hiệu lực trong vòng một năm, từ ngày 6.7.2021, trừ phi đối thủ của Tổng thống Donald Trump là ông Joe Biden thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11. Theo quy định, Mỹ có thể rời WHO trong vòng một năm kể từ khi thông báo nếu thực hiện xong cam kết đóng góp tài chính.
|
Báo cáo ghi nhận 12 bệnh nhân bị nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, 10 người mắc bệnh não với triệu chứng như mê sảng, rối loạn tâm thần. Bên cạnh đó, 8 người bị đột quỵ và thêm 8 người bị tổn thương thần kinh ngoại vi dưới dạng hội chứng Guillain-Barré (chỉ tình trạng hệ miễn dịch tấn công dây thần kinh gây liệt). Trong số này, một phụ nữ 55 tuổi xuất hiện ảo giác và phải uống thuốc chống loạn thần. Đáng quan ngại hơn, các bác sĩ ghi nhận tình trạng gia tăng bệnh ADEM (viêm não lan tỏa cấp tính) trong các bệnh nhân, khiến 1 người thiệt mạng. Báo cáo trên làm gia tăng quan ngại về ảnh hưởng sức khỏe dài hạn ở bệnh nhân Covid-19, căn bệnh đã khiến một số người khó thở, mệt mỏi dù được chữa khỏi, trong khi những người khác bị tê cóng, yếu đi và gặp vấn đề về trí nhớ.
Cùng ngày, WHO lần đầu tiên thừa nhận chứng cứ mới cho thấy vi rút gây bệnh Covid-19 lây lan mạnh hơn trong không khí so với trước đây vẫn tưởng, theo Reuters. Một ngày sau khi 239 nhà khoa học cho rằng WHO đang xem nhẹ nguy cơ lây bệnh qua không khí, một quan chức cấp cao của WHO đã lên tiếng về vấn đề này.
Phát biểu trong cuộc họp báo tại Geneva (Thụy Sĩ), Giáo sư Benedetta Allegranzi, chuyên gia về phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh truyền nhiễm, cho biết: “Không thể loại bỏ khả năng lây lan (vi rút Corona) qua không khí trong môi trường công cộng, đặc biệt trong những điều kiện cụ thể, đông người, trong phòng kín và hiệu quả thông khí kém”. Tuy nhiên, bà cho rằng cần phải thu thập thêm chứng cứ trước khi đưa ra kết luận chính thức.
Bình luận (0)