Reuters ngày 3.5 đưa tin Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin vừa viết trên tài khoản mạng xã hội Twitter rằng Trung Quốc phải “cuốn gói” khỏi khu vực mà Manila tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Ngoại trưởng Locsin thậm chí đã dùng từ ngữ chửi tục để thể hiện chữ “cuốn gói”.
Manila không thể chịu đựng thêm ?
Bên cạnh đó, ông cũng lên án Trung Quốc đã phá hoại tình bạn 2 nước. Đến tối qua, cơ quan ngoại giao của Trung Quốc chưa đưa ra phản ứng về tuyên bố của Ngoại trưởng Philippines.
Tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 25.3 vừa qua, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã nhận được nhiều câu hỏi liên quan đến sự hiện diện thường xuyên của hàng trăm tàu dân binh Trung Quốc tại khu vực bãi Ba Đầu, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, cũng như việc phía Philippines gần đây lên tiếng về sự kiện này và yêu sách chủ quyền với khu vực trên.
Trả lời câu hỏi này, bà Hằng nhấn mạnh Việt Nam có đầy đủ cơ sở pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế. Hoạt động của các tàu Trung Quốc trong phạm vi lãnh hải của Sinh Tồn Đông thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã xâm phạm chủ quyền của Việt Nam.
Vũ Hân - Đậu Tiến Đạt
|
Ngày 2.5, Philippines tuyên bố sẽ tiếp tục tập trận hàng hải ở khu vực đặc quyền kinh tế (EEZ) dựa trên tuyên bố chủ quyền của nước này ở Biển Đông. Trước đó, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana ngày 28.4 tuyên bố Trung Quốc “không có quyền hay cơ sở pháp lý để ngăn cản Manila tiến hành cuộc diễn tập” ở Biển Đông. Các động thái này nhằm phản ứng lại việc Bắc Kinh yêu cầu Manila dừng các cuộc tập trận mà các lực lượng tuần duyên và quản lý ngư nghiệp Philippines tiến hành trên Biển Đông từ ngày 24.4. Việc tập trận của Philippines được xem là cách đáp trả lại sự hiện diện đông đảo của tàu dân binh, tàu hải cảnh và thậm chí là tàu quân sự Trung Quốc trong khu vực từ hồi tháng 3 vừa qua.
Trả lời Thanh Niên ngày 3.5, TS Koh Swee Lean Collin (chuyên gia tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam, Singapore) cho rằng có 2 lý do giải thích cho việc Manila tuyên bố duy trì các cuộc tập trận hàng hải như trên.
“Thứ nhất, Manila không thể chịu đựng thêm việc Bắc Kinh lợi dụng tình hình đại dịch Covid-19 để tiến hành hàng loạt động thái đe dọa, cưỡng ép ở Biển Đông trong hơn 1 năm qua. Các hành vi này của Bắc Kinh khiến Manila lo lắng và cảnh giác. Thứ hai, việc duy trì tập trận như trên là giải pháp tốt nhất cho Manila hiện nay khi Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mới đây đã chỉ thị cho quân đội và lực lượng tuần duyên kiềm chế, không kích động xung đột với Trung Quốc”, TS Koh Swee Lean Collin phân tích.
Đến lúc thay đổi chính sách
Cũng trả lời Thanh Niên vào ngày 5.3, PGS-TS Richard Heydarian (chuyên gia phân tích quốc tế tại Philippines) khẳng định: Philippines đang cố gắng đẩy lùi sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Washington cho rằng Bắc Kinh đang hành xử hung hăng hơnTrả lời phỏng vấn Đài CBS News hôm 2.5, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhận định Trung Quốc gần đây ngày càng hành xử “hung hăng hơn ở nước ngoài” và thái độ cũng chuyển biến theo hướng “gia tăng đối đầu”.
Trước câu hỏi liệu có khả năng xảy ra xung đột vũ trang giữa Washington và Bắc Kinh hay không, nhà ngoại giao cho hay điều này đi ngược lại lợi ích cả hai nước. Dù vậy, theo ông, thế giới đang chứng kiến Trung Quốc hành xử hung hăng hơn ở nước ngoài. “Đó là thực tế”, ông Blinken nói và khẳng định Mỹ không tìm cách “kiềm chế Trung Quốc”, mà thay vào đó muốn nước này tuân thủ trật tự dựa trên luật lệ.
H.G
|
Bên cạnh đó, chuyên gia này cho rằng: “Tất cả các động thái của Bắc Kinh ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn, và chưa có chỉ dấu nào cho thấy về chính sách của ông Duterte đối với Bắc Kinh có thể dẫn đến bất cứ sự nhượng bộ nào từ Trung Quốc. Vì vậy, giữa bối cảnh của những vụ việc gần đây, Bộ Quốc phòng Philippines đã tìm cách thúc đẩy để có cách ứng phó cần thiết. Chúng ta thấy rõ rằng Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đã nhất quán nhấn mạnh cam kết của Manila trong chống lại các hành vi của Bắc Kinh. Ngoài ra, có một yếu tố đáng lưu ý là Mỹ gần đây đã triển khai tàu chiến đến khu vực này để phản ứng hành vi của Trung Quốc. Kèm theo đó là dấu hiệu Philippines sẽ gia hạn hoặc tạm thời khôi phục thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Mỹ”.
“Từ nhiều yếu tố trên, Tổng thống Duterte dường như đang đứng trước các áp lực đòi hỏi phải cứng rắn với Trung Quốc”, ông Heydarian nhận định.
Tương tự, TS Koh Swee Lean Collin cũng cho rằng: “Rõ ràng, có những áp lực trong nước mà ông Duterte đang phải đối mặt. Áp lực đó chống lại việc Manila phụ thuộc vào Trung Quốc để phục hồi sau đại dịch và cả vắc xin ngừa Covid-19. Nhưng có lẽ, Philippines khó có nhiều động thái xa hơn việc đưa ra tuyên bố cứng rắn và phô trương lực lượng”.
Thực tế, Tổng thống Duterte cũng đã có thay đổi trong việc đưa ra các tuyên bố đối với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tờ South China Morning Post ngày 20.4 dẫn lời Tổng thống Duterte tuyên bố về Biển Đông trong cuộc họp diễn ra ngày hôm trước rằng ông sẵn sàng điều động tàu chiến đến Biển Đông để đối phó với tàu Trung Quốc đang hiện diện tại đây. Ông còn đe dọa khi đó hậu quả sẽ rất “đẫm máu”. Điều này hoàn toàn khác với các phát ngôn thân thiện mà Tổng thống Duterte dành cho Trung Quốc suốt các năm qua, bất chấp xảy ra nhiều vấn đề căng thẳng giữa 2 nước.
Trong khi đó, Trung Quốc tiếp tục có nhiều hoạt động quân sự ở Biển Đông. Ngày 2.5, tờ Hoàn Cầu thời báo thông tin một nhóm chiến hạm Trung Quốc được dẫn đầu bởi tàu sân bay Sơn Đông vừa tiến hành cuộc tập trận ở Biển Đông nhằm “tập huấn năng lực sẵn sàng tác chiến”. Liên quan hoạt động này, như Thanh Niên ngày 29.4 dẫn nguồn từ truyền thông Đài Loan, tàu Sơn Đông và tàu đổ bộ Hải Nam ngày 28.4 đã rời cảng trên đảo Hải Nam để tiến vào Biển Đông.
Bình luận (0)