Quan hệ an ninh quốc phòng EU - Việt Nam là rất quan trọng

20/11/2019 21:36 GMT+7

Chia sẻ về nhiệm kỳ 4 năm tại Việt Nam, tân đại sứ EU Giorgio Aliberti đã vạch ra các lộ trình để triển khai các hiệp ước thương mại, đầu tư và đặc biệt là an ninh quốc phòng EU - Việt Nam.

Tiếp xúc với báo chí tại TP.HCM, Đại sứ Aliberti đánh giá cao phản ứng đầy nhiệt huyết và tích cực của phía Việt Nam, cũng như sự năng động của đất nước Việt Nam trước những nghị trình cần triển khai.
Đại sứ có thể chia sẻ những ưu tiên trong thời gian sắp tới?
Ưu tiên đầu tiên là hợp tác chống lại biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. EU đặt tham vọng đến năm 2050, châu Âu sẽ là lục địa đầu tiên trên thế giới chấm dứt tình trạng phát thải carbon. Việt Nam đang đối diện với nhiều thách thức liên quan đến vấn đề này, và chúng ta đã biết được những dự báo đối với khu vực, chẳng hạn như ĐBSCL sẽ bị tác động tiêu cực như thế nào. Ở đây chúng tôi có đủ công cụ cho phép hợp tác và đưa ra các giải pháp để làm việc với Việt Nam.
Ưu tiên thứ hai chính là nền kinh tế số, cụ thể là tận dụng công nghệ để tạo ra những thay đổi tích cực. Đây là lĩnh vực EU có rất nhiều kinh nghiệm, sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ Việt Nam theo đuổi con đường đó. Bên cạnh đó, Việt Nam đang ở trong nhóm các nước có thu nhập trung bình, nhưng bên cạnh đó là bẫy thu nhập trung bình. Về vấn đề này, chúng tôi đang nắm trong tay nhiều kinh nghiệm để thực thi, cụ thể là những hiệp định mà chúng ta đã ký kết để triển khai trong thời gian tới.
Tại sao ông cho rằng đây là giai đoạn quan trọng và đầy thách thức?
Đây là thời điểm bắt đầu thực thi những thỏa thuận đã được ký kết. Thực thi nó mới là thách thức thực sự, có thể nói là vô cùng khó khăn. Những hiệp định chúng ta vừa ký kết, như Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA), Hiệp định Bảo hộ Đầu tư EU-Việt Nam (EVIPA), đều là thành tựu lớn mà hai bên đã đạt được sau nhiều năm nỗ lực. Thách thức trước mắt là đi vào thực thi những hiệp định này.
Chúng ta cần phải hoạch định lộ trình, kế hoạch như thế nào, sắp xếp khâu chuẩn bị thật tốt mới có thể hiện thực hóa những hiệp định đó. Bên cạnh thương mại và đầu tư, EU và Việt Nam cũng ký xong hiệp định liên quan đến an ninh và quốc phòng (FPA) nhằm thiết lập khuôn khổ tham gia của Việt Nam vào các hoạt động quản lý khủng hoảng của EU. Tôi cảm thấy mình vô cùng may mắn khi tham gia vào giai đoạn then chốt này trong quan hệ song phương.

Lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam lên đường sang Nam Sudan nhận nhiệm vụ, tháng 10.2018

Ngọc Dương

FPA có ý nghĩa như thế nào đối với VN trong giai đoạn tới?
Hiệp định FPA là một nội dung rất quan trọng. Vào thời điểm đó, tôi đang ở Bỉ, chứng kiến Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch tham gia lễ ký kết. Chúng tôi xem đây là diễn đàn, một cơ chế đối thoại then chốt, cho phép Việt Nam có thể gửi các cán bộ, sĩ quan tham gia những hoạt động và chiến dịch về quản lý khủng hoảng của EU ở khắp nơi trên thế giới. Việt Nam đã có kinh nghiệm trong hoạt động gìn giữ hòa bình theo cơ chế của Liên Hiệp Quốc, và thông qua FPA, Việt Nam chứng tỏ sẵn sàng tham gia một cách tích cực, có một vai trò, trách nhiệm hơn nữa trên diễn đàn thế giới.
Việc hợp tác với EU và Liên Hiệp Quốc ở khía cạnh này còn đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đảm nhận vai trò chủ tịch ASEAN năm 2020 và là thành viên không thường trực của HĐBA Liên Hiệp Quốc nhiệm kỳ 2020-2021. Những gì diễn ra không phải là chuyện tình cờ, mà chứng tỏ nỗ lực và quyết tâm của chính phủ và con người Việt Nam nhằm nâng vị thế trên trường quốc tế. Với sự hợp tác thúc đẩy trật tự dựa trên luật quốc tế, EU - Việt Nam đang có cùng quan điểm. Ở châu Á, chúng tôi ký kết FPA với Hàn Quốc, còn ở ASEAN thì Việt Nam là đối tác đầu tiên, mở ra chương mới liên quan đến hợp tác an ninh quốc phòng giữa EU và các đối tác quan trọng.
Xin cảm ơn ông!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.