Rô bốt sát thủ đã hiện hữu

30/05/2021 07:30 GMT+7

LHQ công bố báo cáo đầu tiên dường như ghi nhận trường hợp triển khai rô bốt sát thủ trên thực địa, cụ thể là dòng drone tự sát cài thiết bị nổ trên chiến trường Libya năm ngoái.

Tạp chí Aviation Week & Space Technology hôm 27.5 cho hay lực lượng Quân đội quốc gia Libya (LNA) của tư lệnh Khalifa Haftar tháng 3.2020 buộc phải rút quân theo sau chiến dịch quân sự đánh chiếm bất thành thủ đô Tripoli, đầu não của quân đội thuộc chính phủ lâm thời (GNA) được LHQ ủng hộ.
Theo báo cáo của Hội đồng chuyên gia của LHQ về Libya, thời điểm đó các tay súng LNA ở vùng ngoại ô thủ đô đã chạm trán đối thủ chưa từng thấy: bầy thiết bị bay không người lái (drone) kết hợp “những hệ thống vũ khí sát thương tự động”. Trong đó, loại vũ khí mới có thể được lập trình để tìm diệt mục tiêu, và tiếp tục thi hành mệnh lệnh dù gián đoạn liên lạc với người điều khiển.

Bỏ chạy vẫn bị truy sát

“Các hệ thống vũ khí sát thương tự động được lập trình để tấn công mục tiêu mà không cần kết nối dữ liệu với người điều khiển: trên thực tế, đó là năng lực “khai hỏa, bỏ qua và tiếp tục tìm kiếm mục tiêu mới”, theo Hội đồng chuyên gia của LHQ về Libya. Khi ấy, các tay súng dưới trướng tư lệnh Haftar bối rối vì chưa hề được huấn luyện để đối phó nhóm vũ khí mà báo cáo gọi là rô bốt sát thủ. Hậu quả là họ rời khỏi hàng ngũ và tháo chạy, trong lúc vẫn tiếp tục bị bầy drone truy sát.
Theo Hãng tin RT, dòng drone trên là dạng thiết bị 4 cánh quạt, được gắn camera và mang theo các thiết bị nổ cỡ nhỏ. Khi được triển khai trong một khu vực cụ thể, chúng tự động định vị mục tiêu trước khi lao xuống và nổ tung vào thời điểm đâm trúng mục tiêu, nên thường được gọi là “drone tự sát”. Các thiết bị drone xuất hiện trên chiến trường Libya nhiều khả năng là dòng Kargu-2 do Hãng STM (Thổ Nhĩ Kỳ) sản xuất. Báo cáo của LHQ cho rằng phía đã thả bầy drone chính là lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia hậu thuẫn GNA. Cuối năm ngoái, báo Daily Sabah đưa tin quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã nhận được lô đầu tiên của dòng drone tấn công thế hệ mới.
Hội đồng trên chưa rõ mức độ giết chóc mà bầy drone đã gây ra trên chiến trường, đối với các tay súng LNA lẫn dân thường, cũng như chưa xác định được liệu con người có can thiệp từ xa vào thời điểm bầy drone tấn công hay không.

Dòng drone Kargu-2

Cảnh báo từ lâu

Nếu Kargu-2 thực sự được sử dụng, hành động này đã vi phạm nghị quyết về Libya của Hội đồng Bảo an LHQ vào năm 2011, theo đó cấm mọi quốc gia thành viên can dự vào việc “cung cấp trực tiếp hoặc gián tiếp, bán hoặc chuyển giao” vũ khí ở quốc gia Bắc Phi. Từ lâu, giới phân tích đã cảnh báo mối nguy hiểm đến từ việc đưa vũ khí sát thương tự động ra chiến trường. Một liên minh gồm các nhà vận động vì hòa bình, giới khoa học và chính khách trên toàn cầu đã thành lập Chiến dịch ngăn chặn rô bốt sát thủ và đang nỗ lực vận động LHQ thông qua lệnh cấm chúng được sử dụng trên thực tế.
“Các cỗ máy giết chóc như thế này vẫn chưa thể phân biệt được đâu là nông dân, đâu là binh sĩ”, theo nhà nghiên cứu Zachary Kallenborn tuần trước viết trên Bản tin của các nhà khoa học nguyên tử. Còn theo chuyên trang Popular Science, việc đưa vũ khí sát thương tự động, hay rô bốt sát thủ, ra chiến trường cũng đồng nghĩa chấp nhận sẽ có sai lầm phát sinh. Và cho đến nay không ai có thể cam đoan có thể biết trước những sai lầm đó là gì và xảy ra đến mức nào.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.