Theo bài phân tích đăng trên website của AMTI, thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) ngày 7.7, căng thẳng liên quan diễn biến xung quanh mỏ khí Kasawari, được phát hiện lần đầu vào năm 2011 và được khai thác trong nhiều năm qua.
Cụ thể, từ ngày 19-24.5.2021, Tập đoàn Petronas của Malaysia dùng 6 tàu kéo để vận chuyển vật liệu đến cảng Miri thuộc Sarawak để chuẩn bị cho việc lắp đặt một giàn khoan tại Kasawari.
Đến ngày 1.6, ngay trước khi công việc lắp đặt tại Kasawari được bắt đầu,16 máy bay quân sự Trung Quốc bay tiếp cận khu vực cách Sarawak 60 km ở Biển Đông. Malaysia lập tức cho chiến đấu cơ xuất kích sau khi các máy bay quân sự Trung Quốc phớt lờ liên lạc.
Sau đó, dữ liệu theo dõi tàu từ nhà cung cấp Marine Traffic cho thấy tàu hải cảnh Trung Quốc CCG 5403 hoạt động ở khu vực vào ngày 4.6, khi một xà lan đặt đường ống thuộc công ty Sapura Energy (Malaysia) đến Kasawari cùng nhiều tàu hỗ trợ. Sapura Energy đã ký hợp đồng lắp đặt thiết bị đầu giếng và phần nổi của giàn khoan tại Kasawari.
Dữ liệu từ hệ thống thông tin tự động (AIS) của tàu CCG 5403 cho thấy tàu này hoạt động trong phạm vi gần Sapura 2000, gần như ngay sau khi Sapura 2000 đến Kasawari, dù có sự hiện diện của tàu hải quân Malaysia Bunga Mas Lima. Vào ngày 3.7, Sapura 3000 cùng Sapura 2000 lắp đặt giàn khoan tại Kasawari. Dữ liệu AIS ngày 5.7 cho thấy CCG 5303 rõ ràng cản trở hoạt động đó, chạy qua cách Sapura 3000 khoảng 365 m và cách một trong những tàu hỗ trợ của tàu Malaysia này hơn 180 m, theo AMTI.
Đến ngày 7.7, các tàu CCG 5303, Sapura 2000, và Sapura 3000 vẫn còn hiện diện tại Kasawari. AMTI không quan sát hoạt động khác của giới công lực hay quân đội Myanmar sau khi tàu Bunga Mas Lima rút khỏi khu vực hồi tháng 6.
Đây là ít nhất lần thứ 3 kể từ tháng 4.2020 tàu hải cảnh Trung Quốc quấy rối hoạt động khai thác năng lượng của Malaysia ở Biển Đông, theo AMTI. “Tình trạng này một lần nữa cho thấy Bắc Kinh tiếp tục thách thức hoạt động dầu khí của các nước láng giềng ngay trong vùng đặc quyền kinh tế của những nước đó. Và cuộc tuần tra (của 16 máy bay quân sự Trung Quốc), có thể không phải là sự trùng hợp, cho thấy Bắc Kinh sẵn sàng gây ra leo thang song song nhằm gây sức ép để các bên tranh chấp khác rút lui”, AMTI bình luận.
Hiện chưa có thông tin về phản ứng của Trung Quốc cũng như Malaysia đối với bài viết của AMTI.
Bình luận (0)