“Vượt qua rào cản không gian, thời gian lẫn hình thức tương tác, chúng ta đã có những ngày làm việc rất hiệu quả. Lãnh đạo các nước ASEAN đã trao đổi, thống nhất nhiều biện pháp quyết liệt, thiết thực đẩy mạnh hợp tác ứng phó và vượt qua các thách thức mà ASEAN phải đối mặt, trong đó có dịch bệnh Covid-19, giữ vững đà hợp tác và đưa ra những định hướng lớn cho Cộng đồng ASEAN phát triển ngày càng vững mạnh, thực sự trở thành hạt nhân của khu vực với người dân luôn ở vị trí trung tâm”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói trong phát biểu bế mạc chuỗi sự kiện.
Theo Thủ tướng, các nước ASEAN đã nhất trí nhiều nội dung quan trọng, tạo dựng động lực mới cho quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, khẳng định cam kết mạnh mẽ với hợp tác đa phương cũng như liên kết và tự do hóa kinh tế. Các nhà lãnh đạo đã nhất trí vai trò trung tâm của ASEAN cần được duy trì và tiếp tục phát huy; thúc đẩy đối thoại, hợp tác, ngăn ngừa xung đột, xây dựng lòng tin, kiến tạo cấu trúc khu vực rộng mở, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật lệ. Tại hội nghị, lãnh đạo các nước ASEAN thông qua hơn 80 văn kiện, nhiều nhất từ trước tới nay trong một kỳ hội nghị cấp cao. Hội nghị cũng đã thông qua Tuyên bố Hà Nội về tầm nhìn cộng đồng ASEAN sau 2025 với kỳ vọng xây dựng nền tảng vững chắc cho con đường phát triển phía trước của Cộng đồng ASEAN.
Hướng tới một Cộng đồng ASEAN giàu bản sắc, lãnh đạo ASEAN cũng khuyến khích treo cờ ASEAN và sử dụng ASEAN ca, đưa hình ảnh ASEAN gần với người dân và cộng đồng.
Không ngừng mở rộng và làm sâu sắc thêm quan hệ với các đối tác, ASEAN nhất trí mở rộng Hiệp ước thân thiện và hợp tác Đông Nam Á (TAC) để Cuba, Colombia và Nam Phi tham gia, nâng tổng số lên 43 nước. “Với những hành trang phong phú của năm 2020 và của các năm trước đây, ASEAN có thể tự tin vững bước vào thập niên thứ 6 - một chặng đường dài không ít thách thức nhưng cũng đầy hứa hẹn đang dần mở ra”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Trao đổi với báo chí bên lề hội nghị, Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng cho biết những vấn đề Viêt Nam đặt ra trong chương trình nghị sự được hưởng ứng rất mạnh mẽ từ các nhà lãnh đạo ASEAN và đối tác. “Các nước đánh giá ngay từ đầu là Chủ đề năm ASEAN của Viêt Nam đưa ra là quá chính xác, trở thành “thương hiệu” ASEAN là gắn kết và chủ động thích ứng. Khi Viêt Nam chuyển vấn đề trọng tâm sang ứng phó với Covid-19 và các vấn đề khác để hỗ trợ cho người dân, cho cộng đồng doanh nghiệp các nước cũng rất ủng hộ và hưởng ứng. Vì vậy, các sáng kiến như là Quỹ ứng phó với Covid-19, Kho dự phòng vật tư y tế khẩn cấp, Trung tâm y tế ASEAN… đều được các nước hưởng ứng và đóng góp rất nhiệt tình”, ông Dũng nói.
Để làm được điều này, Viêt Nam đã cố gắng và sáng tạo, với nỗ lực âm thầm của hàng trăm người. Theo ông Dũng, ngay từ đầu năm, khi dịch Covid-19 bùng phát, Viêt Nam đã phải thay đổi rất nhiều kế hoạch có sức thuyết phục đối với các nước. “Khi chuyển đổi hình thức họp cũng đã có sự nghi ngờ không biết chúng ta có làm được không trong bối cảnh phức tạp như vậy… Nhiều việc tưởng rất khó, nhưng cuối cùng vẫn làm được, và nó không chỉ đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng mà đòi hỏi một sự sáng tạo rất lớn”, ông Dũng chia sẻ. Nhân dịp này, Viêt Nam đã chuyển giao vai trò Chủ tịch ASEAN cho Brunei.
Bình luận (0)