Lãnh đạo các nước ASEAN cùng các đối tác như Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc đã tham dự các hội nghị. Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres và Tổng giám đốc Ngân hàng Thế giới David Malpass cũng tham dự và phát biểu.
Phải cùng nhau vượt qua khủng hoảng
Tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 (Trung - Hàn - Nhật), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, ra đời trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 1997, kinh nghiệm ứng phó các tình huống khủng hoảng đã trở thành điểm mạnh trong hợp tác ASEAN+3 trong suốt hơn 2 thập kỷ qua. Ngày nay, trước những thách thức chưa từng có của Covid-19, các nước ASEAN+3 tiếp tục phát huy thế mạnh, kịp thời hợp tác và ứng phó với các tác động của dịch bệnh.
ASEAN - Mỹ quan ngại tình hình Biển ĐôngSáng 14.11, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Mỹ do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020, chủ trì, với sự tham gia của lãnh đạo ASEAN và Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert O’Brien, đặc phái viên của Tổng thống Donald Trump, các quốc gia đã tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, thương mại không bị cản trở, ủng hộ các quốc gia ven biển thực thi quyền chủ quyền đối với các nguồn tài nguyên trên biển phù hợp với quy định của UNCLOS 1982.
Các nhà lãnh đạo bày tỏ quan ngại rằng tại Biển Đông vẫn tiềm ẩn các nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định; quan ngại về những hành động đi ngược lại luật pháp quốc tế, gây bất ổn, làm phức tạp tình hình. Các lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của đối thoại, xây dựng lòng tin, thượng tôn pháp luật, không quân sự hóa, kiềm chế, không làm phức tạp tình hình, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế.
ASEAN hoan nghênh Mỹ đóng góp tích cực cho duy trì hòa bình, ổn định an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, mong Mỹ ủng hộ các nỗ lực đề cao luật pháp quốc tế, hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, thực hiện nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982.
Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ tái khẳng định cam kết của Mỹ xây dựng và phát triển quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Mỹ vì hòa bình, thịnh vượng ở khu vực trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền của nhau và hợp tác cùng có lợi.
V.H
|
Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide cũng nhấn mạnh thông điệp tương tự, khẳng định tầm quan trọng của hợp tác. Nhật Bản cũng đã thể hiện sự hợp tác thiết thực của mình thông qua khoản đóng góp 200 triệu USD giúp các nước ASEAN vượt qua dịch bệnh; hỗ trợ 2,5 tỉ USD dưới dạng cho vay khẩn cấp giúp các nước đối phó với Covid-19.
Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nêu nhận định của một số tổ chức quốc tế, cho rằng các biện pháp hợp tác của ASEAN+3 trong ứng phó với Covid-19 đã tạo cảm hứng cho các khu vực khác. Thêm vào đó, Đông Á cũng sẽ là khu vực hiếm hoi trên thế giới sẽ có tăng trưởng dương năm nay. “Tôi cho rằng điều này cho thấy tính tự cường và hiệu quả của hợp tác ASEAN+3”, ông Lý nói.
Cũng tại hội nghị này, lãnh đạo các nước Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đều cam kết đóng góp 1 triệu USD mỗi nước, cùng đóng góp 300.000 USD từ Quỹ Hợp tác ASEAN+3 cho Quỹ ASEAN ứng phó Covid-19.
Nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu hiện nay là tập trung kiểm soát và đẩy lùi Covid-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc chia sẻ với ASEAN kinh nghiệm, thế mạnh trong nghiên cứu dịch tễ và dự phòng các tình huống y tế công cộng; hỗ trợ triển khai Khung phục hồi tổng thể ASEAN.
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các nước cần hợp tác chặt chẽ, đẩy mạnh liên kết kinh tế khu vực, trong đó có thực hiện hiệu quả các hiệp định thương mại tự do đã có, đồng thời ký kết RCEP sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa thương mại đa phương. Ngoài ra, Thủ tướng khẳng định lập trường chung của ASEAN về xây dựng Biển Đông hòa bình, hữu nghị và hợp tác trên tinh thần thượng tôn pháp luật quốc tế, ủng hộ đối thoại và hợp tác hướng đến hòa bình bền vững, phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên.
Càng xáo trộn, càng thấy rõ tầm quan trọng của duy trì hòa bình
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Cấp cao Đông Á đã ngày càng lớn mạnh, khẳng định vai trò và tầm vóc của một diễn đàn chiến lược hàng đầu của các nhà lãnh đạo cùng đối thoại, hợp tác về các vấn đề quan trọng liên quan đến hòa bình, an ninh và thịnh vượng của khu vực. Sự chia sẻ về lợi ích và nhu cầu hợp tác đã giúp gắn kết 18 quốc gia năng động ở khu vực trong không gian đối thoại và hợp tác mà ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Sức mạnh của các quốc gia tham gia Cấp cao Đông Á nằm ở quy mô 4,6 tỉ người dân, tổng GDP hơn 51.600 tỉ USD trong năm 2019 và nhịp tăng trưởng kinh tế năng động. Thông qua việc đề cao luật pháp quốc tế, thúc đẩy cách tiếp cận dựa trên luật lệ trong quan hệ quốc tế cũng như trong xử lý các thách thức nảy sinh, Cấp cao Đông Á đã tạo nên khuôn khổ hữu hiệu để các quốc gia phối hợp, chia sẻ và hợp tác ứng phó với các nguy cơ đe dọa an ninh, ổn định và phát triển ở khu vực.
“Càng đối diện với các xáo trộn và bất ổn, chúng ta càng nhận thức rõ tầm quan trọng của duy trì hòa bình, ổn định tạo môi trường thuận lợi cho các quốc gia tập trung ứng phó với các thách thức”, Thủ tướng nhấn mạnh và kêu gọi các quốc gia đóng góp vào nỗ lực này.
Bình luận (0)