Trong số đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đánh giá vắc xin AZD1222 của AstraZeneca (Anh - Thụy Điển) là một trong những ứng viên tiềm năng nhất.
AZD1222 do Đại học Oxford (Anh) phát triển cùng AstraZeneca, bắt đầu được thử nghiệm lâm sàng từ tháng 6 tại Brazil. Dữ liệu từ cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu cho thấy toàn bộ những người được tiêm 2 liều vắc xin đã hình thành kháng thể miễn dịch và không có tác dụng phụ nào đáng lo ngại. Tuy nhiên, trưởng nhóm nghiên cứu và các quan chức y tế hàng đầu Anh tỏ ra dè dặt về khả năng đưa vào sử dụng vắc xin trong cuối năm nay, theo Reuters. Hiện tại, AZD1222 đang được thử nghiệm giai đoạn cuối tại Brazil, Nam Phi và sắp tới là tại Mỹ.
Một loại vắc xin hứa hẹn khác cũng đang được Hãng CanSino Biologics phối hợp với quân đội Trung Quốc sản xuất. Theo kết quả thử nghiệm, vắc xin kích thích phản ứng miễn dịch đối với hầu hết 508 tình nguyện viên sau 1 liều tiêm và 77% số đó có phản ứng phụ nhưng không nghiêm trọng. Vắc xin này chưa được thử nghiệm trên quy mô lớn, theo Reuters.
Trong khi đó, kết quả thử nghiệm trên quy mô nhỏ đối với vắc xin BNT162 của liên danh Pfizer (Mỹ) và BioNTech (Đức) và vắc xin mRNA 1273 của Moderna (Mỹ) cũng cho thấy những dấu hiệu khả quan. Moderna dự kiến thử nghiệm quy mô lớn trong tháng này, trong khi Brazil vừa cấp phép cho Pfizer - BioNTech thử nghiệm lâm sàng BNT162 từ tháng 8, dự kiến với 30.000 người.
Tuy vậy, các hãng công nghệ sinh học hàng đầu thế giới đang tỏ ra dè dặt về thời điểm đưa vắc xin Covid-19 vào sử dụng. Trong phiên điều trần tại Tiểu bang Giám sát thương mại và năng lượng Hạ viện Mỹ hôm qua 22.7, lãnh đạo của 5 công ty AstraZeneca, Johnson & Johnson, Merck, Moderna và Pfizer đều không dám cam kết cung cấp vắc xin Covid-19 cho người dân trước đầu năm 2021, theo tờ USA Today. Mặc dù chịu áp lực về thời gian nhưng các hãng nhấn mạnh sẽ không vì lý do đó mà giảm tiêu chuẩn an toàn của vắc xin.
Theo quy định của Mỹ, vắc xin Covid-19 muốn được cấp phép phải đạt hiệu quả tối thiểu 50%. Giá cả cũng là một vấn đề được bàn thảo. Theo đó, Moderna, Merck và Pfizer cho biết sẽ thu lợi từ việc bán vắc xin, trong khi AstraZeneca và Johnson & Johnson sẽ chỉ bán với giá bằng chi phí sản xuất.
Phó chủ tịch AstraZeneca Menelas Pangalos cho biết công ty sẽ cung cấp 2 tỉ liều vắc xin không lợi nhuận, trong đó có 300 triệu liều cấp cho Mỹ theo hợp đồng trị giá 1,2 tỉ USD, theo tờ Politico. Hiện tại, nhiều nước đang đàm phán với các nhà phát triển nhằm được ưu tiên trong việc tiếp cận ngay sau khi vắc xin được phát triển thành công.
Bình luận (0)