Quy mô lớn
Tập đoàn công nghệ máy tính IBM (Mỹ) hôm qua đăng thông cáo cho biết đã phát hiện một chiến dịch lừa đảo chiếm đoạt thông tin trên mạng ở quy mô toàn cầu nhắm vào các tổ chức liên quan đến chuỗi phân phối và bảo quản lạnh vắc xin ngừa Covid-19.
Theo IBM, tin tặc sẽ đóng giả là lãnh đạo một công ty chuyên vận chuyển và lưu trữ vắc xin có uy tín để gửi thư điện tử có mã độc đến mục tiêu. Nếu “con mồi” phản hồi hoặc mở tập tin liên quan sẽ bị dính mã độc, giúp tin tặc xâm nhập và lấy được thông tin tài khoản. Từ đó, tin tặc có thể thu thập kế hoạch, phương pháp và kênh phân phối vắc xin. Ngoài ra, một số chuyên gia nhận định mục tiêu của tin tặc còn là thông tin nội bộ của các công ty bị xâm nhập để phục vụ cho những chiến dịch trong tương lai.
Theo IBM, đối tượng bị nhắm đến có thể là các công ty sản xuất pin năng lượng mặt trời, dùng để cung cấp điện cho các tủ lạnh trữ vắc xin; các công ty sản xuất sản phẩm hóa dầu chuyên sản xuất đá khô; hoặc các công ty công nghệ thông tin hợp tác với nhiều khâu trong việc vận chuyển và phân phối vắc xin.
Hiện chưa rõ tổ chức đứng sau chiến dịch này, nhưng IBM cho rằng đây có thể là hoạt động có liên quan đến nhà nước vì việc nắm được thông tin liên quan đến thu mua và phân phối loại vắc xin cực kỳ quan trọng này là mục tiêu giá trị cao.
Gia tăng cảnh giác
Tổng cục Thuế và liên minh hải quan của Ủy ban Châu Âu hôm qua thông báo đã hay tin cơ quan này cũng là mục tiêu bị nhắm đến và đang có biện pháp cần thiết để giảm thiểu nguy cơ, theo Reuters. Cơ quan An ninh mạng và cơ sở hạ tầng Mỹ (CISA) cùng ngày đăng tải lại báo cáo của IBM và kêu gọi các tổ chức liên quan đến chiến dịch phát triển vắc xin Thần tốc của chính phủ kiểm tra và cảnh giác.
Trước đó, Tổ chức Cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) kêu gọi các thành viên cảnh giác trước nguy cơ đánh cắp, làm giả và quảng cáo vắc xin Covid-19 bất hợp pháp trong bối cảnh nhiều nước đang xem xét cấp phép và phân phối vắc xin.
Truyền thông Anh hôm qua đưa tin lô vắc xin đầu tiên của Pfizer/BioNTech đã được đưa từ nơi sản xuất ở Bỉ đến một trung tâm chưa được tiết lộ tại Anh và sẽ lần lượt được phân phối đến các trung tâm tiêm chủng. Chính phủ Anh đã đặt mua 40 triệu liều vắc xin của Pfizer/BioNTech và cấp phép sử dụng vào hôm 2.12. Việc tiêm chủng dự kiến bắt đầu vào ngày 8.12 với 800.000 liều được phân phối và nhóm đầu tiên được tiêm là cư dân trong các viện dưỡng lão và người chăm sóc, kế đến là những người từ 80 tuổi trở lên và các nhân viên y tế tuyến đầu.
Một số nước châu Âu khác như Bỉ, Ba Lan hay Pháp cũng dự kiến bắt đầu tiêm chủng vào đầu năm sau, theo AFP. Vắc xin của Pfizer/BioNTech hiệu quả 95% nhưng đòi hỏi phải được lưu trữ ở nhiệt độ âm 70 độ C. Công ty này hôm qua thông báo do thiếu hụt nguyên liệu thô cho chuỗi cung ứng nên đã giảm mục tiêu sản xuất trong năm 2020 từ 100 triệu liều xuống còn 50 triệu liều, theo Reuters. Đối thủ của Pfizer là Moderna đang xin giấy phép của chính phủ các nước cho vắc xin của hãng này. Theo nghiên cứu mới, vắc xin của Moderna hiệu quả 94% và có thể giúp phòng ngừa lây nhiễm trong ít nhất 3 tháng. Công ty Mỹ này ước tính có thể sản xuất từ 100 - 125 triệu liều trong quý 1/2021.
Ông Biden mời ông Fauci về làm cố vấn y tế
Đài CNN đưa tin ông Joe Biden muốn tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và truyền nhiễm Mỹ, trở thành cố vấn y tế trưởng trong chính quyền sắp tới của ông. “Tôi đã đề nghị ông Fauci tiếp tục giữ đúng vai trò ông ấy đảm nhiệm trong nhiều đời tổng thống trước đây. Tôi cũng đề nghị ông ấy làm cố vấn y tế trưởng cho mình và là thành viên của nhóm chuyên trách chống Covid-19”, ông Biden phát biểu trên Đài CNN ngày 3.12. Theo ông Biden, tiến sĩ Fauci hôm 3.12 đã có buổi làm việc với ông cùng đội ngũ của ông nhằm tìm cách ứng phó đại dịch Covid-19. Ông Fauci hiện là thành viên chủ chốt trong nhóm chuyên trách Covid-19 của chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Huỳnh Thiềm
|
Bình luận (0)