Tinh tinh bao vây giết khỉ đột khiến các nhà khoa học chấn động

23/07/2021 20:00 GMT+7

Lần đầu tiên trong tự nhiên, các nhà nghiên cứu quan sát được một đàn tinh tinh có hành vi tấn công và giết khỉ đột.

CNN ngày 22.7 đưa tin các chuyên gia quan sát hàng chục con tinh tinh tại Vườn quốc gia Loango ở Cộng hòa Gabon, một quốc gia Trung Phi, đã rất ngạc nhiên khi thấy tinh tinh tấn công dữ dội khỉ đột. Thông thường, hai loài này chung sống rất hòa bình.
Phát hiện này được nhóm chuyên gia từ Đại học Osnabrück và Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Đức công bố trên tạp chí Nature vào ngày 19.7.
“Ban đầu, chúng tôi nghe thấy tiếng hét của tinh tinh và chỉ nghĩ rằng các cá thể của hai nhóm tinh tinh gần nhau đang giao tiếp”, bà Lara M. Southern, tác giả chính của nghiên cứu, cho biết.
"Nhưng sau đó, chúng tôi nghe thấy tiếng đấm ngực, một đặc điểm của khỉ đột. Chúng tôi nhận ra rằng những con tinh tinh đã chạm trán với một nhóm 5 con khỉ đột", bà kể lại cuộc tấn công đầu tiên mà nhóm nghiên cứu nhìn thấy vào năm 2019.
Nhóm chuyên gia đã đề cập hai cuộc chạm trán, kéo dài 52 phút và 79 phút, trong nghiên cứu. Ở cả hai cuộc tấn công, những con tinh tinh đã liên kết lại và tấn công khỉ đột.
Theo nhóm nghiên cứu, khỉ đột lưng bạc, tức con khỉ đầu đàn, và những con khỉ cái trưởng thành đã tự vệ và bảo vệ con. Khỉ đột đầu đàn và một số con cái trưởng thành đã thoát được, nhưng hai con khỉ đột con bị tách khỏi mẹ và bị giết.
"Đây là bằng chứng đầu tiên cho thấy sự hiện diện của tinh tinh có thể làm hại đến khỉ đột. Chúng tôi muốn tìm hiểu các yếu tố gây ra những hành vi hung hăng đáng ngạc nhiên này", Tobias Deschner, nhà linh trưởng học tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck, cho biết.
Các cuộc tấn công này đặc biệt gây ngạc nhiên cho nhóm nghiên cứu. "Chúng tôi thường xuyên thấy cả hai loài chung sống hòa bình trong các khu vực kiếm ăn. Các đồng nghiệp của chúng tôi thậm chí còn thấy hai loài chơi đùa với nhau", Simone Pika, nhà sinh học nhận thức tại Đại học Osnabrück, cho biết.
Nhóm nghiên cứu đã quan sát khoảng 45 con tinh tinh nhằm phân tích mối quan hệ của chúng, cách sử dụng các công cụ, kỹ năng giao tiếp và săn bắn, cùng các đặc điểm khác.
Các tác giả nghiên cứu cho rằng việc có chung thức ăn với các loài khác có thể là nguyên nhân gây ra các vụ xung đột. “Có thể vì tinh tinh, khỉ đột và voi rừng trong Vườn quốc gia Loango cùng có chung thức ăn nên làm gia tăng sự cạnh tranh”, ông Deschner nói.

Khỉ đột tại Mỹ nhiễm Covid- 19

Vườn quốc gia Loango là một khu bảo tồn rộng lớn trên bờ biển của Gabon. Đây là nơi sinh sống của voi, trâu và một số loài khác. Khỉ đột đất thấp phía Tây, loài cực kỳ nguy cấp, cũng sinh sống tại đây. Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế, tinh tinh là một loài có nguy cơ tuyệt chủng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.