Tổng thống Trump hứa chi tiền để vượt mặt Nga về phát triển tên lửa
06/02/2019 20:00 GMT+7
Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ chi nhiều tiền hơn Nga để phát triển tên lửa mà không cần đạt thỏa thuận quốc tế mới sau khi Washington rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Tự động phát
“Trong chính phủ của tôi, chúng ta sẽ không bao giờ xin lỗi vì phục vụ lợi ích của Mỹ. Chúng ta có thể đàm phán một thỏa thuận khác với Nga, nhưng phải kèm theo những quốc gia khác như Trung Quốc. Hoặc là trong trường hợp này, chúng ta sẽ tăng chi tiêu ngân sách phát triển tên lửa nhiều hơn Nga và nước khác”, Tổng thống Trunp nói trong thông điệp liên bang trước quốc hội ngày 5.2 (tức sáng 6.2 theo giờ VN), theo AFP.
[VIDEO] Mục tiêu của Nga: 2 loại tên lửa mới trước năm 2021, sau khi Mỹ rời hiệp ước hạt nhân
|
Bốn ngày trước đó, Tổng thống Trump tuyên bố: “Mỹ sẽ ngưng mọi nghĩa vụ trong khuôn khổ hiệp ước INF với Nga kể từ ngày 2.2 và bắt đầu tiến trình rút khỏi INF, vốn sẽ được hoàn tất trong 6 tháng, trừ khi Nga quay trở lại tuân thủ hiệp ước bằng cách phá hủy mọi tên lửa, bệ phóng và thiết bị vi phạm liên quan”. Sau đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ sẽ rút khỏi INF trong vòng 6 tháng tới và nếu Moscow không tuân thủ, hiệp ước sẽ chấm dứt.
Bên cạnh việc đổ lỗi cho Nga vi phạm hiệp ước, giới chức Mỹ còn cho rằng INF hiện nay không bao gồm Trung Quốc, và nhờ không bị hạn chế bởi hiệp ước nên trong nhiều năm gần đây Bắc Kinh thoải mái tăng cường phát triển tên lửa tầm trung.
Đáp lại, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc Mỹ rút khỏi INF sẽ châm ngòi cuộc chạy đua vũ trang mới, nhưng Moscow sẽ có động thái tương tự để đáp trả Washington.
Trong ngày 5.2, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho biết Tổng thống Putin đã phê chuẩn kế hoạch phát triển tên lửa mới.
“Trong giai đoạn 2019-2020, chúng ta phải phát triển phiên bản phóng từ mặt đất của hệ thống Kalibr được trang bị tên lửa hành trình tầm xa”, ông Shoigu nói trong cuộc họp với các quan chức quốc phòng. “Cùng thời điểm đó, chúng ta cũng phải tạo ra hệ thống tên lửa phóng từ mặt đất với tên lửa bội siêu thanh”, theo ông Shoigu.
|
INF được ký kết năm 1987 nhằm giới hạn tên lửa có thể mang đầu đạn hạt nhân với tầm bắn 500 - 5.500 km ở châu Âu. Đây là di sản nhằm kết thúc chiến tranh lạnh của nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev và Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Ronald Reagan. Hai lãnh đạo nỗ lực xoa dịu mối quan ngại của các quốc gia châu Âu trước nguy cơ chạy đua vũ trang có thể hủy diệt nhiều thành phố.
NATO tuyên bố các đồng minh “hoàn toàn ủng hộ” việc rút khỏi INF và nhất trí với cáo buộc từ Washington rằng hệ thống tên lửa hành trình Nga 9M729 có tầm bắn vi phạm INF.
Tuy nhiên, một số quốc gia châu Âu cảnh báo hậu quả nếu hiệp ước bị sụp đổ và kêu gọi Nga cân nhắc trước khi Mỹ chính thức rút khỏi INF vào tháng 8.2019, theo AFP.
[VIDEO] Tổng thống Putin châm chọc Mỹ: "Có vẻ con đại bàng đã ăn sạch cành ô liu??
|
Bình luận (0)