Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi ngày 9.1 cảnh báo đảng Dân chủ sẽ khởi động thủ tục luận tội vào tuần tới nếu ông Trump không từ chức ngay lập tức hoặc Phó tổng thống Mike Pence không viện dẫn Tu chính án thứ 25 của hiến pháp để phế truất tổng thống, theo AFP.
Áp lực từ chức
Bản thảo các điều khoản luận tội do những nghị sĩ đảng Dân chủ biên soạn cho thấy ông Trump bị cáo buộc “kích động” đám đông người biểu tình ủng hộ ông gây bạo loạn tại Điện Capitol ngày 6.1 nhằm lật ngược kết quả bầu cử. Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) cùng các công tố viên đang điều tra và truy tố những người tham gia vụ bạo loạn tại Điện Capitol, khiến 5 người chết, bao gồm một sĩ quan cảnh sát.
Bên cạnh đó, một số nghị sĩ đảng Cộng hòa và các hiệp hội doanh nghiệp lớn lẫn giới truyền thông ở Mỹ yêu cầu Tổng thống Trump từ chức. Cuộc thăm dò của Hãng Reuters/Ipsos được thực hiện vào ngày 7 và 8.1 cho thấy 57% người Mỹ muốn Trump bị cách chức ngay lập tức sau vụ bạo loạn.
Tuy nhiên, một cố vấn khẳng định Phó tổng thống Pence từ chối viện dẫn Tu chính án thứ 25 để phế truất ông Trump. Các nghị sĩ ủng hộ ông Trump và người phát ngôn Nhà Trắng Judd Deere hôm qua cũng kêu gọi đảng Dân chủ gác lại việc luận tội để tránh gây chia rẽ thêm.
Vào tháng 12.2019, Hạ viện Mỹ đã luận tội Tổng thống Trump với tội danh lạm dụng quyền lực và cản trở quốc hội vì ông gây áp lực buộc Tổng thống Ukraine điều tra con trai của ông Biden. Tuy nhiên, Thượng viện đã tuyên bố trắng án vào tháng 2.2020. Ngoài ông Trump, lịch sử nước Mỹ có 2 tổng thống đã bị luận tội và không ai bị luận tội 2 lần.
Bị mạng xã hội “cấm cửa”
Tổng thống Trump còn đang đối mặt sự tẩy chay từ chính mạng xã hội Twitter mà ông thường sử dụng. Vào ngày 8.1, ông Trump dùng tài khoản chính thức của chính phủ @POTUS trên Twitter chỉ trích trang mạng xã hội này “bịt miệng” ông.
Ngay sau đó, Twitter đã xóa các bình luận của ông Trump trên @POTUS, tạm ngưng tài khoản ban vận động tái tranh cử của ông @TeamTrump và đóng tài khoản cá nhân @realDonaldTrump vĩnh viễn. Twitter nêu lý do cụ thể là nhằm ngăn chặn nguy cơ những dòng tweet gây tranh cãi về gian lận bầu cử tiếp tục kích động bạo loạn.
Trước đó, Facebook, Instagram tuyên bố chặn tài khoản của Tổng thống Trump cho đến khi tiến trình chuyển giao quyền lực hoàn tất.
Lo ngại kích hoạt vũ khí hạt nhân
Cũng vào hôm qua, Chủ tịch Hạ viện Pelosi cho biết bà đã liên lạc với Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng Mark Milley, bày tỏ quan ngại về nguy cơ ông Trump “không ổn định” kích hoạt vũ khí hạt nhân. Bà Pelosi nói ông Milley khẳng định có biện pháp đảm bảo an toàn nhưng không nêu thêm chi tiết. Theo Vụ Khảo cứu quốc hội Mỹ (CRS), hiến pháp trao toàn quyền cho ông Trump về việc kích hoạt vũ khí hạt nhân. Tổng thống kiêm tổng tư lệnh quân đội đến bất cứ nơi nào đều có trợ lý tháp tùng, mang theo vali hạt nhân chứa chỉ dẫn, mật mã khởi động cuộc tấn công hạt nhân mà chỉ tổng thống mới có thể sử dụng.
“Tổng thống thường tham vấn với các tướng lĩnh trước khi quyết định tấn công hạt nhân. Một khi tổng thống quyết định, dù là nhiều lần cân nhắc hay trong cơn tức giận, thì quân đội không thể chống lại mệnh lệnh”, theo CRS. Tuy nhiên, luật chiến tranh cho phép các quan chức quốc phòng từ chối thực hiện mệnh lệnh nếu đó là điều bất hợp pháp.
Trong khi đó, Tổng thống tân cử Biden nói ông đang tập trung vào kế hoạch dập dịch Covid-19 và việc luận tội là do quốc hội định đoạt, nhưng khẳng định ông Trump không đủ năng lực làm tổng thống. Ông Biden còn gọi việc Tổng thống Trump xác nhận không đến dự lễ nhậm chức của ông vào ngày 20.1 là “điều tốt đẹp”.
Reuters dẫn lời nguồn tin tiết lộ có các cuộc thảo luận tại Nhà Trắng về kế hoạch ông Trump rời khỏi thủ đô Washington D.C để đến khu resort của ông ở bang Florida vào ngày 19.1. Theo Reuters, Tổng thống Trump đang tự cô lập mình với một nhóm nhỏ những cố vấn thân cận tại Nhà Trắng giữa lúc hàng loạt thành viên nội các bất mãn từ chức và ông liên tục chỉ trích những người mà ông cho là không trung thành.
Ông Biden chỉ trích chương trình vắc xin Covid-19 của ông Trump
Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden hôm qua chỉ trích chương trình phân phối vắc xin Covid-19 của chính phủ Tổng thống sắp mãn nhiệm kỳ Donald Trump là “trò hề”, theo AFP.
Sau đó, người phát ngôn của Tổng thống tân cử TJ Ducklo nói nội các mới lên kế hoạch phân phối tất cả liều sẵn có ngay lập tức, thay vì giữ lại một nửa nguồn cung để đảm bảo mọi người được tiêm nhắc lại mũi thứ 2 đúng hạn. “Chính phủ ông Trump nên ngừng việc giữ lại nguồn cung vắc xin”, ông Ducklo nói.
Hiện vẫn chưa rõ kế hoạch sẽ giải quyết vấn đề như thế nào vì Mỹ không thiếu vắc xin, nhưng tỷ lệ tiêm chủng thấp hơn nhiều so với chỉ tiêu của chính phủ. Đến nay, khoảng 6 triệu người Mỹ được tiêm liều đầu tiên, thấp hơn mục tiêu 20 triệu người trong tháng 12.2020. Tính đến ngày 7.1, chính phủ liên bang đã phân phối hơn 21 triệu liều, nhưng 15 triệu liều chưa được sử dụng vì quy định về đối tượng ưu tiên của từng bang.
Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar kêu gọi các bang không nên quá cứng nhắc về đối tượng ưu tiên. Chẳng hạn, chính quyền bang New York sẽ phạt 1 triệu USD nếu bệnh viện vi phạm quy định về đối tượng được ưu tiên tiêm phòng Covid-19.
Hai loại vắc xin của liên doanh Mỹ - Đức Pfizer/BioNTech và Hãng Moderna (Mỹ) yêu cầu tiêm 2 liều cách nhau 3 - 4 tuần. Thời hạn sử dụng là 6 tháng với nhiệt độ bảo quản đạt âm 70 độ C, nhưng chỉ được 5 ngày nếu dùng tủ đông thông thường.
|
Bình luận (0)